Facebook "ngó lơ" nạn vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet
Hầu hết kênh phim lậu ở Việt Nam sử dụng nguồn từ Facebook |
Như Dân trí đã thông tin, nhiều người dùng làm phim lậu ở Việt Nam đã chuyển sang nền tảng Facebook để cất giấu video thay vì dùng Google Drive trước đây. Điểm thu hút đối với các nhà làm phim lậu đó là nền tảng mở, tha hồ đăng tải và chia sẻ nhưng chẳng mất bất cứ một đồng vốn nào.
Đặc biệt hơn, Facebook không chặn video đăng tải với lượt người xem tăng đột biến khiến cho nó thu hút người làm phim lậu tăng mạnh. Những nhà làm phim lậu ở Việt Nam sẽ đăng tải các video này ở chế độ riêng tư trong một fanpage và "kéo" về trang web để phát tán nội dung.
Tính đến thời điểm này, hầu hết các trang web phim lậu lớn nhất ở Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng của Facebook để cất giấu và phát tán hàng trăm nghìn bộ phim vi phạm bản quyền, trong đó có những bộ phim chỉ mới ra rạp như "Jurassic World: Fallen Kingdom (2018)", Rampage...
Mới đây, Business Insider cũng đăng tải thông tin và cho rằng, Facebook thực sự đang tồn tại vấn nạn rất lớn trong việc thúc đẩy vi phạm bản quyền truyền hình.
Theo tờ báo này, các nhóm (Group) chuyên chia sẻ phim lậu thu hút hàng trăm ngàn thành viên trên nền tảng Facebook. Nhiều thành viên đăng tải công khai các video vi phạm mà không sợ bất cứ điều gì. Chỉ với từ khóa "free full movie 2018", người dùng dễ dàng tìm thấy các group hoạt động công khai như "Full HD English movie" hay "Free full movie 2018"... Nhiều nhóm trong số đó đã hoạt động được rất lâu, chẳng hạn từ năm 2016.
Đáng lưu ý, ghi nhận những nhóm này không đăng liên kết từ một website khác sang mà tải cả bộ phim hoàn chỉnh lên chính trên nền tảng Facebook. Trong đó có một số bộ phim "hot" như "The Greatest Showman," "Transformers: The Last Knight," và "A Quiet Place".
Khi hỏi Facebook, tờ báo này nhận được câu trả lời từ một phát ngôn viên: Gỡ bỏ nội dung không phải là trách nhiệm của Facebook trừ khi được yêu cầu bởi chủ sở hữu quyền của nội dung. Business Insider cho rằng, Facebook dường như không thể làm gì trước vấn nạn vi phạm bản quyền ngày một lớn hơn.
Trong cuộc chiến chống lại nội dung vi phạm bản quyền, Facebook năm ngoái đã mua lại một startup mang tên Source3 ở Mỹ để giúp loại bỏ các video vi phạm bản quyền và nội dung khác mà người dùng chia sẻ không được phép.
Theo báo cáo minh bạch gần đây của Facebook, video vi phạm đã giảm 2,8 triệu nội dung dựa trên khoảng 370.000 báo cáo bản quyền của người dùng trong nửa cuối năm 2017.
Dù có công cụ trang bị nhưng thực tế nạn vi phạm vẫn đang diễn ra nhan nhản chứng tỏ năng lực và cả công cụ mua về vẫn chỉ giải quyết được một phần và còn rất nhiều khoảng trống lớn. Hay chăng vì tham vọng với hướng đi mới trong việc phát triển mảng nội dung video trên mạng xã hội này để cạnh tranh với đối thủ đến từ Google là Youtube nên hãng này cố làm ngơ? Tham vọng muốn thâu tóm nền tảng mạng xã hội, giúp hãng thuyết phục được người xem theo dõi video trên nền tảng này để thúc đẩy kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận mới từ nguồn tiền quảng cáo truyền hình?