Du lịch công nghiệp - Lãng quên đến bao giờ?
Thái Nguyên hiện đang sở hữu gia tài gồm 5 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 1.500ha

Gần đây nhất là năm 2013, khái niệm này được đề cập đến trong đề tài “Nghiên cứu tiềm năng phát triển loại hình du lịch công nghiệp ở Thái Nguyên” của ĐH Thái Nguyên. Từ đó trở đi, vấn đề này hầu như chưa từng được nhắc lại ở các hội thảo về du lịch trên địa bàn. Dù đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua, song vấn đề cốt lõi về kỹ nghệ kinh doanh, đó là giữ chân du khách thì du lịch Thái Nguyên vẫn còn quá nhiều điều phải bàn.

PGS.TS Bùi Thị Nga, Khoa Du lịch Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Số lượng khách lên Thái Nguyên khá là nhiều, tuy nhiên lại không giữ được khách. Bởi vì Thái Nguyên có ít điểm vui chơi, giải trí và du khách không được trải nghiệm nhiều."

Ở một khía cạnh khác, theo các chuyên gia, “Du lịch công nghiệp còn là loại hình du lịch sử dụng ngành công nghiệp truyền thống, di sản công nghiệp như nhà máy, công xưởng sản xuất, phòng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp...”

Trở thành một trong 3 đầu tầu về công nghiệp nặng của miền Bắc từ thập niên 60 thế kỷ trước, Thái Nguyên vốn có rất nhiều di sản công nghiệp về khai khoáng, luyện kim, cơ khí, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, ngoài sản phẩm du lịch công nghiệp từ cây chè nổi tiếng thì những di sản công nghiệp này lại đang dần biến mất.

KTS Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta đã phá bỏ đi những nhà máy được coi là nền móng của công nghiệp nặng như cán thép Gia Sàng, đây thực sự là một điều tiếc nuối."

Hiện Thái Nguyên đang sở hữu 1 gia tài gồm 5 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 1.500ha. Từ nay đến 2030, địa phương sẽ có thêm 7 khu công nghiệp mới và được định hướng trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc và khu đô thị vệ tinh quan trọng của thủ đô Hà Nội. Đây là tiềm năng lớn thu hút khách du lịch “khám phá kinh tế” thông qua trải nghiệm, tìm hiểu sâu hơn về các dây chuyền sản xuất hiện đại, được trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất.

PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: "Ở Thái Nguyên có một điểm rất đặc thù đó là nhà máy luyện kim, nhà máy gang thép Thái Nguyên. Theo tôi, nếu nhìn từ góc nhìn du lịch thì đây cũng là nét đặc sắc để phát triển các loại hình du lịch."

Tiềm năng thì lớn, nhưng rõ ràng du lịch công nghiệp chưa hề được lưu tâm từ trong suy nghĩ của nhiều chủ doanh nghiệp lẫn cơ quan chủ quản ngành du lịch. Sự khuyết thiếu này có thể thấy ở trong quy hoạch chiến lược phát triển du lịch chung của tỉnh trong những năm tới. Bị lãng quên khiến du lịch công nghiệp - một loại hình du lịch mới mẻ đang trở thành xu hướng mới đem lại giá trị kinh tế cao vẫn phải ngủ im lìm phía sau sự phát triển vượt bậc của công nghiệp ở Thái Nguyên./.