Đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận tải quân sự
Hiện nay, trung bình mỗi năm ngành VTQS tổ chức vận chuyển từ 60-90 nghìn tấn hàng hóa các loại, trong đó chủ yếu là vận chuyển quân, binh khí kỹ thuật, xăng dầu và các loại vật chất hậu cần, kỹ thuật khác. Đặc thù của công tác VTQS là các loại hàng hóa phức tạp, dễ xảy ra cháy nổ, có nhiều yếu tố gây nguy cơ mất an toàn. Trong khi đó, phạm vi hoạt động của ngành rộng khắp đất nước, trên tất cả các loại địa hình: Thành phố, đồng bằng, miền núi, trung du và trên biển. Phương tiện vận tải đa dạng, bao gồm vận tải bằng ô tô, tàu thủy và tầu hỏa. Mặt khác, hoạt động VTQS hiện nay luôn phải tiến hành trong điều kiện giao thông và thời tiết, khí hậu phức tạp, đồng thời chịu sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường…
Đoàn công tác của Tổng cục Hậu cần kiểm tra khu nhà xe của Trung đoàn Vận tải 652 (Quân khu 2). Ảnh: TIẾN ĐẠT |
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, những năm qua, Cục Vận tải đã tham mưu với TCHC, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, giải pháp khoa học nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác VTQS, tạo sự chuyển biến toàn diện hoạt động ngành. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các mặt công tác vận tải, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là vận tải cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, cũng như các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất khác.
Công tác xây dựng ngành vận tải chính quy được các cơ quan, đơn vị duy trì nền nếp. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành VTQS được củng cố, nâng cao. Hệ thống nhà xe, nhà kho, khu kỹ thuật, trạm sửa chữa được đầu tư, củng cố, nâng cấp bảo đảm chính quy, thống nhất. Các loại xe-máy duy trì tốt hệ số kỹ thuật, sẵn sàng cơ động, đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm trong mọi tình huống.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội có bước phát triển mới, đặt ra cho ngành VTQS nhiệm vụ nặng nề, với mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao hơn. Trong khi đó, hệ thống tổ chức, biên chế, trang bị phương tiện của ngành VTQS có mặt chưa theo kịp xu thế phát triển. Trước bối cảnh đó, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Vận tải và ngành VTQS luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, nhất là Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương “Về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khoa học, đồng bộ, nâng cao năng lực toàn diện, chất lượng, hiệu quả công tác VTQS trong tình hình mới.
Quán triệt quan điểm về đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần, đổi mới phương thức vận tải, Đảng ủy, chỉ huy Cục Vận tải và ngành VTQS đã tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu kịp thời, hiệu quả với lãnh đạo, chỉ huy các cấp về công tác VTQS, hướng trọng tâm vào nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xây dựng, kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng VTQS phù hợp với quy hoạch tổ chức quân đội. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực của lực lượng VTQS các cấp. Chủ động đổi mới, hoàn thiện phương thức vận tải… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ VTQS trong tình hình mới.
Trước mắt, Cục Vận tải và ngành VTQS đang tập trung nghiên cứu, tham mưu đẩy mạnh kiện toàn tổ chức biên chế các đơn vị vận tải trong toàn quân, trong đó ưu tiên hoàn thiện tổ chức biên chế lực lượng vận tải thủy, vận tải của các đơn vị tiến thẳng lên hiện đại; tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vận tải theo hướng “chính quy, tinh, gọn”, đồng bộ ở cả ba cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành VTQS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, tay nghề. Thực hiện nền nếp chế độ công tác ngành, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chuyên môn. Coi trọng huấn luyện nâng cao khả năng tham mưu, tổ chức hiệp đồng, trình độ quản lý, chỉ huy điều hành vận tải cho đội ngũ cán bộ các cấp; nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm vận tải cho tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nâng cao khả năng làm chủ, khai thác, sử dụng hiệu quả các trang bị, phương tiện vận tải hiện có, nhất là phương tiện vận tải thế hệ mới, hiện đại…. Tổ chức rà soát, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quy hoạch, đầu tư mua sắm, thực hiện tốt việc đổi mới, hiện đại hóa trang bị, phương tiện vận tải phù hợp với khả năng ngân sách, yêu cầu phát triển của quân đội. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với trên và các địa phương đẩy mạnh công tác phối kết hợp giữa phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực, xây dựng thế trận vận tải trong các khu vực phòng thủ; nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng vận tải dự bị động viên và xây dựng cơ chế, chính sách động viên, huy động phương tiện vận tải thuộc các thành phần kinh tế phục vụ cho quốc phòng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác VTQS, bảo đảm cho toàn quân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong mọi tình huống.