Doanh nghiệp và địa phương cần liên kết để cùng phát triển du lịch
Thực tế hoạt động du lịch hiện nay, du khách mua tour đơn lẻ đến duy nhất một địa điểm trong thời gian ngắn ngày càng giảm. Thay vào đó, với các tour có thời gian vài ngày, du khách mong muốn được khám phá nhiều địa điểm của nhiều địa phương hơn.
Ngành chức năng và doanh nghiệp cùng nhau phát triển du lịch liên kết. (Ảnh minh họa: KT). |
Muốn đáp ứng tốt nhu cầu này, các công ty du lịch khai thác nhiều tour tuyến khác nhau có hướng liên kết với nhau để cùng khai thác, phục vụ du khách cho chu đáo.
Theo ông Nguyễn Đức Minh Trí, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Nam Á Châu, công ty bước đầu có sự liên kết để tạo ra các tour đi từ Củ Chi (TP.HCM) đến Đồng bằng sông Cửu Long hay Vũng Tàu, Phan Thiết... Nhưng đánh giá một cách khách quan, sự liên kết vẫn còn hời hợt, mang tính bề nổi, chưa thực sự chuyên nghiệp.
Các địa phương có sản phẩm du lịch trong khu vực khá tương đồng nhau, chưa xây dựng được sản phẩm đặc thù. Trong lịch trình tour, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa có hồn, mới chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu nên không tạo được ấn tượng của du khách. Không gian du lịch vẫn còn nhiều bất cập, nhận thức văn hóa ứng xử với khách du lịch của người dân bản địa chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ…
"Chưa có sự phối hợp để tạo ra thế mạnh, bởi vì một mình công ty của mình không thể bán sản phẩm đó cho nhiều du khách được. Doanh nghiệp có thể liên kết với nhau về lưu trú, về khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch để tạo ra các sản phẩm phong phú hơn để thu hút nhiều du khách hơn", ông Nguyễn Đức Minh Trí gợi ý.
Ngành chức năng của các địa phương cũng nhận ra vấn đề này và đã có sự liên kết với nhau để phát triển du lịch của từng địa phương và để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay tỉnh đang tích cực phối hợp với TPHCM, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giữa 2 địa phương liên kết phát triển các tour tuyến.
Để sản phẩm du lịch liên kết phát triển tương xứng với lợi thế, tiềm năng TPHCM và các tỉnh lân cận cũng phải cùng nhau hoàn thiện xây dựng hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong vùng để tạo ra một sơ đồ sản phẩm du lịch hoàn chỉnh.
Cần có sự liên kết giữa ngành chức năng và doanh nghiệp tạo ra một sơ đồ sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. (Ảnh minh họa: KT). |
"Về lâu dài rất cần có một quy hoạch chung để xác định thế mạnh của từng địa phương, từ đó có định hướng rõ sự phát triển của từng khu vực, để hỗ trợ cùng giúp nhau định hướng phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách cũng như tạo được sự cạnh tranh đối với các nước trong khu vực và trên thế giới", ông Trịnh Hàng cho biết.
Giai đoạn 2013-2018, Sở Du lịch TPHCM đồng hành cùng các doanh nghiệp lữ hành tổ chức khảo sát và phát triển tour liên kết với nhiều tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long mở ra nhiều đường tour hấp dẫn, thu hút khách tham quan.
Từ nay đến năm 2023, TPHCM sẽ đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, liên kết để hình thành các sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm ngày càng cụ thể của du khách trong nước và quốc tế là điều cần thiết. Bởi một điểm đến dù có phong phú đến cỡ nào như TPHCM cũng cần phải có thêm nhiều không gian để trải nghiệm.
Ông Vũ cũng khẳng định, ngành chức năng sẽ hỗ trợ tối đa nhưng vai trò của các doanh nghiệp trong việc chủ động tạo ra các sản phẩm du lịch liên kết là rất quan trọng. Chính doanh nghiệp mới có thể tạo nên sự liên kết một cách bền vững và tạo nên những sản phẩm có giá cả hợp lý.
Từ những yêu cầu của thực tế, để các hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố trong cả nước thiết thực, hiệu quả, ngành du lịch các tỉnh cần làm tốt vai trò cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch ký kết hợp đồng khai thác trên nguyên tắc ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch của nhau.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng./.