Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị
Toàn cảnh Hội nghị |
Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thi hành pháp luật về đất đai. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với Luật mới ban hành.
Đến nay, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016-2020) cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt; đối với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện đã được thẩm định và được HĐND cấp huyện thông qua.
Các quy hoạch sử dụng đất được xây dựng thống nhất với quy hoạch đô thị, các quy hoạch ngành và kế hoạch sử dụng đất. Việc quản lý, sử dụng và thực hiện cơ chế, chính sách về đất đai tại đô thị được thực theo đúng luật, đúng quy hoạch (Trong đó, tổng diện tích đã thực hiện bồi thường, GPMB là trên 1.400ha, với số tổ chức, hộ gia đình có đất thu hồi là trên 22.700 trường hợp; tổng nguồn thu từ đất gần 6.700 tỷ đồng).
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được, kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai và những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật đất đai từ có khi hiệu lực đến nay, như: việc thực hiện một số văn bản liên quan còn chồng chéo, không đồng bộ, không thống nhất với một số Luật hiện hành, cần phải điều chỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất tại đô thị còn chậm, chất lượng chưa cao, chưa dự báo sát với nhu cầu và tình hình sử dụng đất thực tế, khiến quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần; việc định giá đất khó xác định sát với giá đất thị trường; việc sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp còn xảy ra vi phạm, sử dụng đất không hiệu quả, sai mục đích; tính phân cấp trong quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận nỗ lực của UBND tỉnh và vai trò tham mưu của các cơ quan chuyên môn liên quan trong ban hành các văn bản theo thẩm quyền. Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý Nhà nước về đất đai. Đặc biệt là đối với đất đô thị đã từng bước phát huy nguồn lực đất đai để thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Thẳng thắn chỉ ra một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương của tỉnh cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Đoàn Giám sát, có hướng giải pháp đối với từng nội dung cụ thể, qua đó kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại đô thị. Các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị sẽ được Đoàn tổng hợp, gửi tới cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giải quyết và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.