Đình chỉ thỏa thuận hạt nhân, ông Putin gửi thông điệp gì đến Mỹ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/10 đã ký phê chuẩn dự luật đình chỉ việc thực hiện một thỏa thuận với Mỹ về loại bỏ plutonium ở cấp độ vũ khí để đáp trả “hành động không thân thiện” của Washington trong bối cảnh bế tắc trong quan hệ giữa hai nước ngày càng lún sâu hơn. Tuy nhiên, Nga vẫn để ngỏ khả năng đảo ngược quyết định nêu trên nếu Mỹ dừng các hành động thù địch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: EPA) |
Giải thích cho quyết định đình chỉ thỏa thuận kiểm soát plutonium với Mỹ, phía Nga cho rằng, “hành động thù địch của Mỹ đối với Nga gây ra những thay đổi căn bản, đe dọa tới sự ổn định chiến lược. Thêm vào đó là sự bất lực của Mỹ trong việc đảm bảo nghĩa vụ xử lý plutonium theo quy định của điều ước quốc tế khiến Nga phải nhanh chóng hành động để bảo vệ an ninh của mình”.
Mỹ và Nga ký thỏa thuận tiêu hủy plutonium từ năm 2000 và văn bản này mới chỉ chính thức có hiệu lực từ năm 2010. Theo thỏa thuận, mỗi bên Nga và Mỹ phải tiêu hủy đến 34 tấn vật liệu phân hạch.
Ngay sau tuyên bố của phía Nga, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest bày tỏ lấy làm tiếc với quyết định của Moscow bởi “cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đã luôn ưu tiên giải quyết vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Nga đình chỉ thỏa thuận với Mỹ cũng đồng nghĩa với việc nước này sẽ không còn bị ràng buộc với yêu cầu tiêu hủy kho dự trữ plutonium. Tuy nhiên, dự luật vừa được ông Putin ký thông qua cũng cung cấp một sự đảm bảo rằng, plutonium sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự.
Dù đã có chữ ký của nhà lãnh đạo Nga nhưng dự luật vẫn cần phải được sự chấp thuận của Quốc hội. Về lý thuyết, Quốc hội Nga vẫn có thể bác quyết định của Tổng thống. Theo ông Leonid Slutsky, người dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại trong Quốc hội mới được bầu, dự luật nói trên sẽ được ưu tiên.
“Đó là một vấn đề rất quan trọng. Cần thiết phải hành động nhanh chóng để bảo vệ an ninh quốc gia của Nga. Chúng tôi sẽ có hành động cụ thể ngay sau khi dự luật liên quan được đệ trình”, ông Slutsky nói với TASS.
Thỏa thuận Nga - Mỹ về loại bỏ plutonium vẫn có thể sống lại
Theo RT, việc đình chỉ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ hoàn toàn có thể được cân nhắc lại nếu Mỹ tiến hành các bước đi cần thiết để loại bỏ nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ. Đặc biệt, Moscow muốn Washington kiềm chế sự hiện diện quân sự ở các quốc gia thành viên NATO gia nhập khối này sau ngày 1/9/2000, đồng thời dỡ bỏ cấm vận và Đạo luật Magnitsky.
Đạo luật Magnitsky của Mỹ nhằm vào các công dân Nga mà Mỹ cáo buộc chịu trách nhiệm về cái chết của luật sư người Nga Sergei Magnitsky năm 2009, người được Mỹ coi là đấu tranh chống tham nhũng trong chính quyền Nga.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga trong một buổi duyệt binh. (Ảnh: AFP) |
Ngoài ra, Moscow cũng yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà Nga hứng chịu do các biện pháp trừng phạt, kể cả thiệt hại vì nước này buộc phải áp dụng biện pháp cấm vận đáp trả và yêu cầu Mỹ có kế hoạch rõ ràng về tiêu hủy hoàn toàn plutonium liên quan trong thỏa thuận.
Nga muốn Mỹ cung cấp một bản kế hoạch chi tiết và rõ ràng về những biện pháp mà Washington sẽ làm để có thể khôi phục lại việc xử lý plutonium đúng theo các cam kết nằm trong thỏa thuận.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó trong một tuyên bố cho biết, việc đưa thỏa thuận với Mỹ xử lý plutonium là “một biện pháp cưỡng bức” và Nga vẫn luôn coi thỏa thuận Nga – Mỹ về xử lý plutonium là một bước đi quan trọng để giải trừ vũ khí hạt nhân.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, quyết định của Tổng thống Putin là “một tín hiệu rõ ràng” gửi đến Washington.
“Cố gắng nói chuyện với Nga bằng cách sử dụng sức mạnh, đưa ra tối hậu thư cũng như những hình phạt trong khi vẫn muốn hợp tác chọn lọc với chúng tôi trên những lĩnh vực có lợi cho Mỹ. Đương nhiên, cách làm này sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả”, ông Lavrov cảnh báo.
Quyết định mang tính biểu tượng
Theo nhận định của giới quan sát, việc Nga quyết định đình chỉ thỏa thuận xử lý plutonium với Mỹ không có gì bất ngờ bởi trước đó, Moscow đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng về cách Washington xử lý các đầu đạn hạt nhân.
Mỹ dùng biện pháp giá rẻ là trộn các nguyên liệu hạt nhân với các phụ gia đặc biệt để vô hiệu hóa chúng. Nga phản đối, cho rằng đây là hành động vi phạm thỏa thuận bởi theo đúng những điều khoản đã ký, Mỹ sẽ phải dùng lò phản ứng hạt nhân để chuyển hóa plutonium, điều chắc chắn khiến plutonium không thể tái sử dụng.
Thỏa thuận giữa Nga và Mỹ quy định rõ cách thức hai nước xử lý plutonium từ các đầu đạn hạt nhân ngừng hoạt động như là một phần của việc cùng giảm số lượng đầu đạn trong kho vũ khí thời Chiến tranh Lạnh giữa hai nước.
Nga tuyên bố nghiêm túc thực thi thỏa thuận về loại bỏ plutonium trong khi Mỹ lại làm điều ngược lại. (Ảnh: Reuters) |
Mỹ và Nga có trách nhiệm xử lý hơn 34 tấn vật liệu phân hạch bằng cách biến nó thành cái gọi là “nhiên liệu MOX” trước khi đốt loại nhiên liệu này trong các lò phản ứng hạt nhân.
Tuy nhiên, chi phí để xây dựng một cơ sở xử lý như trên ở khu vực sông Savannah, Nam Carolina dường như vượt qua tầm kiểm soát của Mỹ. Để đối phó với tình huống này, Chính quyền Tổng thống Obama đã quyết định sử dụng công nghệ phản ứng thuận nghịch với chi phí rẻ hơn để xử lý plutonium và cho rằng, cách làm này phù hợp với tinh thần thỏa thuận Mỹ - Nga.
Nga đã bày tỏ mối quan ngại về cách mà Mỹ đang làm để xử lý plutonium tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tổ chức ở Mỹ hồi tháng 4 năm nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thời điểm đó cho biết: “Chúng tôi ký một thỏa thuận ghi rõ cách thức plutonium được xử lý và xây dựng các cơ sở phục vụ cho mục đích đó. Nga tuân thủ cam kết và đã xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho quá trình này nhưng Mỹ thì không làm như vậy”.
Mỹ bác bỏ những lời chỉ trích của Nga khi cho rằng: “Phương pháp mới của Mỹ không đặt ra yêu cầu phải đàm phán lại thỏa thuận với Nga”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Bavisotto nói.
Bình luận về diễn biến mới nhất liên quan đến căng thẳng Nga - Mỹ, chuyên gia phân tích quân sự độc lập Alexander Golts cho rằng: “Đây là một hành động mang tính biểu tượng. Nó chứng tỏ rằng, hai bên đã không còn hợp tác với nhau trong lĩnh vực này”.
Đồng quan điểm với chuyên gia Alexander Golts, Công ty tình báo tư nhân Stratfor của Mỹ cho rằng, thỏa thuận loại bỏ plutonium không phải là nền tảng của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và những tác động trên thực tế của thỏa thuận này cũng chỉ ở mức hạn chế. Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Nga lại mang tính biểu tượng mạnh mẽ, nó cho thấy “vết rạn” ngày càng hằn sâu trong quan hệ hai nước.
“Dự luật được ông Putin thông qua có thể báo hiệu rằng, các thỏa thuận hợp tác giải trừ vũ khí hạt nhân khác giữa Nga và Mỹ có nguy cơ bị phá hỏng. Quyết định này còn có khả năng là một nỗ lực của Moscow gửi thông điệp đến Washington về khả năng cắt đứt đối thoại về Syria cũng như một loạt vấn đề khác”, Stratfor bình luận./.