* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm:

Lý giải nguyên nhân số mắc và tử vong do COVID-19 tại Nga tăng mạnh: Theo Giáo sư Alexei Agranovsky, rất nhiều người dân Nga đang tìm cách tránh phải đi tiêm vaccine bằng cách mua các chứng nhận giả đã tiêm vaccine từ nhiều nguồn khác nhau. Theo nhận định của giới chức và các chuyên gia Nga, nguyên nhân khiến số ca mắc và tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này liên tục ở mức cao trong thời gian gần đây là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng nước này còn thấp bởi tâm lý lo ngại tiêm vaccine của người dân. Kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng 12/2020 đến nay, khoảng 43 triệu người Nga (khoảng 29% trong tổng số gần 146 triệu người ở nước này) đã hoàn thành tiêm chủng trong khi gần 33% đã được tiêm một mũi vaccine. Giới chức Nga đã nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng bằng cách đưa ra nhiều sáng kiến khuyến khích người dân tiêm chủng như quay xổ số, thưởng tiền...

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, tâm lý lo ngại về tiêm vaccine cũng như sự xuất hiện rộng rãi các loại chứng nhận tiêm vaccine giả đã làm giảm những nỗ lực này của chính phủ. Khoảng 85 khu vực thuộc Liên bang Nga đã hạn chế sự tham gia các sự kiện công cộng lớn cũng như hạn chế số người đến các rạp chiếu phim, nhà hàng và các tụ điểm công cộng khác. Theo ông Peskov, nước này sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sự cần thiết của việc tiêm vaccine tới người dân. Theo cuộc khảo sát độc lập được thực hiện vào mùa Hè vừa qua, 33% số người được hỏi cho biết họ lo ngại về tác dụng phụ của việc tiêm vaccine, trong khi 16% cho rằng không có lý do để tiêm vaccine.

Hạ viện Mỹ lạc quan về triển vọng thông qua dự luật chi tiêu khổng lồ: Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng các nghị sỹ đảng Dân chủ đang tiến gần tới việc đạt được một thỏa thuận về gói chi tiêu xã hội, vốn gây chia rẽ giữa những nghị sỹ cấp tiến và ôn hòa. Sau nhiều tháng tranh cãi gay gắt giữa các thành viên đảng Dân chủ, ngày 24/10, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận đối với dự luật chi tiêu xã hội khổng lồ và xúc tiến một cuộc bỏ phiếu đối với dự luật cơ sở hạ tầng của cả hai đảng trong tuần này.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình "State of the Union" của kênh truyền hình CNN, bà Pelosi cho rằng các nghị sỹ đảng Dân chủ đang tiến gần tới việc đạt được một thỏa thuận về gói chi tiêu xã hội, vốn gây chia rẽ giữa những nghị sỹ cấp tiến và ôn hòa. Bà cũng bày tỏ lạc quan về cuộc bỏ phiếu đối với dự luật đầu tư cho cơ sở hạ tầng sẽ được xúc tiến trong tuần tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy việc thông qua hai dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội - vốn được đảng Dân chủ coi là có ý nghĩa quan trọng để được giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới - trước khi ông lên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, dự kiện khai mạc vào ngày 31/10 tại Glasgow (Anh). Nhà Trắng trước đó cũng lưu ý những “tiến bộ” đã đạt được trong cuộc trao đổi giữa ông Biden với Thượng nghị sĩ Joe Manchin, một trong hai thành viên của đảng Dân chủ phản đối chương trình “Xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn” của ông tại nhà riêng.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cũng tham gia cuộc gặp. Tổng thống Biden cũng đã bày tỏ lạc quan khi cho biết "Tôi nghĩ rằng sẽ đạt được một thỏa thuận." Dự luật để tu bổ cơ sở hạ tầng và một dự luật khác để tài trợ cho công tác chăm sóc trẻ em và các chi tiêu xã hội khác đang là chủ đề gây tranh luận trên chính trường Mỹ.Theo Tổng thống Biden, hai dự luật này sẽ "thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế." Mặc dù vậy, cả hai dự luật này đều đang mắc kẹt tại Quốc hội, nơi đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện với đa số mong manh, nhưng lại đang bị chia rẽ về chi phí và phạm vi đề xuất của ông Biden.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Biden cho rằng Mỹ cần ngân sách trị giá 1.200 tỷ USD để sửa chữa những cây cầu, đường sá và đường sắt đã xuống cấp từ lâu cùng một ngân sách lớn hơn dành cho chăm sóc trẻ em và các lĩnh vực khác, mà theo ông đây sẽ là những sự hỗ trợ mang tính lịch sử dành cho những người bình thường đang gặp khó khăn. Mấu chốt chính của những tranh cãi hiện nay là quy mô của gói ngân sách thứ hai. Ông Biden đề xuất khoản tiền này là 3.500 tỷ USD, nhưng các nghị sỹ khác cho rằng mức chi hợp lý chỉ là 1.900 tỷ USD đến 2.200 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là phải cắt giảm đáng kể các ưu tiên của ông Biden trong các lĩnh vực như mở rộng giáo dục miễn phí và năng lượng sạch.

Trên cơ sở 12 tháng, tỷ lệ lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong năm tới song bộ trên kỳ vọng vấn đề này sẽ cải thiện trong nửa cuối năm sau. Theo bà Yellen, các điều kiện kinh tế sẽ được cải thiện trong bối cảnh Mỹ dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, vấn đề chuỗi cung ứng được khắc phục và người dân trở lại làm việc. Với những khó khăn trong chuỗi cung ứng, cũng như tình trạng thiếu hụt lao động và nhu cầu mua sắm vẫn còn mạnh, giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng Chín đã đạt 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này làm làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát ở quanh mức 2%.

* Một số thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn:

Việt Nam chủ động đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN: Việt Nam phối hợp với Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19 đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN.

Nhận lời mời của Quốc vương Brunei, Chủ tịch ASEAN năm 2021, Hasanal Bolkiah, từ ngày 26-28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác, Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ ba theo hình thức trực tuyến.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Cuộc họp tham vấn Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia với Nhật Bản. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đây là chuỗi các sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN trong năm; là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm mà Thủ tướng Chính phủ tham dự sau khi Việt Nam có Ban Lãnh đạo mới sau Đại hội XIII của Đảng. Đây là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.

Thúc đẩy nhiều nội dung ưu tiên

Hội nghị Cấp cao lần này dự kiến công bố 10 văn kiện, thông qua 25 văn kiện, ghi nhận 66 văn kiện gồm các tuyên bố, chiến lược, khung hợp tác, kế hoạch hành động, báo cáo, tài liệu tầm nhìn… trên nhiều lĩnh vực ở ba trụ cột hợp tác của ASEAN.

Với chủ đề năm ASEAN 2021: “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng," trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị, ASEAN tiếp tục tập trung thúc đẩy các nội dung ưu tiên về xây dựng Cộng đồng ASEAN, gồm các sáng kiến 2021 do nước Chủ tịch Brunei đề xuất như Sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với thảm họa thiên tai (ASEAN SHIELD), Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Đề cao chủ nghĩa đa phương, Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh, Chiến lược hợp nhất về Cách mạng công nghiệp 4.0 cho ASEAN…

Bên cạnh đó, các nội dung về xây dựng Cộng đồng năm 2020 trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam được duy trì và thúc đẩy, nổi bật là sáng kiến xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN. ASEAN đã thông qua Lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Quy chế hoạt động của Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) xây dựng Tầm nhìn. Theo Lộ trình, các nước sẽ cử đại diện tham gia Nhóm HLTF trước ngày 15/12/2021 và bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2022. Nguyên Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh được cử làm Trưởng đoàn Việt Nam tham gia Nhóm HLTF xây dựng Tầm nhìn.

Vietnam Airlines Group dự kiến khai thác gần 40 đường bay nội địa: Vietnam Airlines Group dự kiến khai thác gần 40 đường bay trên cả nước, gần bằng với tổng số đường bay trước khi dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2021.

Trước tình hình nhiều địa phương nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại, nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) nỗ lực khôi phục gần như hoàn toàn mạng bay nội địa sau ngày 20/10. Dự kiến, các hãng sẽ chính thức mở bán vé rộng rãi trong hôm nay, ngay sau khi có sự cho phép của cơ quan chức năng.

Theo đó, từ ngày 21/10-30/11, Vietnam Airlines Group dự kiến khai thác gần 40 đường bay trên cả nước, gần bằng tổng số đường bay trước khi dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2021. So với giai đoạn thí điểm, nhiều đường bay được mở lại kết nối tới các điểm đến mới như Côn Đảo, Ðiện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Lâm Đồng...

Tần suất các đường bay cũng được bố trí tăng dần qua từng giai đoạn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Dự kiến, Vietnam Airlines Group sẽ khai thác hơn 90 chuyến/ngày từ 21/10, sau đó tăng lên gần 120 chuyến/ngày từ cuối tháng 10 đến tháng 11.

Trên các đường bay trục giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Vietnam Airlines có kế hoạch khai thác 2 chuyến/ngày, Pacific Airlines khai thác 1 chuyến/ngày.

Đối với các đường bay kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương khác, Vietnam Airlines dự kiến khai thác 25 đường bay với tần suất tối thiểu 1 chuyến/ngày, sau đó có thể tiếp tục tăng lên 2 chuyến/ngày với một số đường bay có dự báo dung lượng khách lớn. Pacific Airlines cũng dự kiến nối lại các đường bay giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Quy Nhơn, Huế, Phú Quốc, Chu Lai, Đồng Hới.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Vietnam Airlines Group khôi phục gần như hoàn toàn mạng bay nội địa sau ngày 20/10. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với các đường bay địa phương khác, Vietnam Airlines có kế hoạch mở lại 5 đường bay giữa Đà Nẵng và Hải Phòng, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ từ giữa tháng 11/2021. Các đường bay còn lại sẽ do hãng hàng không VASCO khai thác, dự kiến bao gồm các đường giữa Hà Nội và Điện Biên; giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá; giữa Cần Thơ và Côn Đảo.

Tùy theo tình hình dịch bệnh và yêu cầu của nhà chức trách cũng như các địa phương, kế hoạch khai thác trên của Vietnam Airlines Group có thể được điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến từ ngày 21/10, hành khách đi máy bay sẽ không cần ngồi giãn cách ghế đồng thời cần đáp ứng một trong các điều kiện sau để được vận chuyển: Có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, trong đó liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng trước ngày khởi hành; hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng trước ngày khởi hành; hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành.

Trường hợp hành khách cư trú, lưu trú hoặc xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa), hành khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành.

Trước đó, trong 11 ngày thí điểm khôi phục hoạt động chở khách nội địa (từ 10/10-20/10), Vietnam Airlines Group khai thác tổng cộng 16 đường bay, ước thực hiện 150 chuyến bay và vận chuyển gần 12.000 lượt khách.

Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương cấp độ dịch 1, 2 tổ chức học trực tiếp: Địa phương căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn số 4726/BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Công văn này đã có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục; ưu tiên tiêm đủ liều vắc-xin cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ…

Địa phương căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn. Việc này thực hiện theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại trường; chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong đó, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): Căn cứ vào thực tế tình hình và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để quyết định tổ chức hình thức cho nghỉ học, hoặc dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học… Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp. Với các bậc phổ thông, nhà trường phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình. Các nhà trường cũng cần có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 hoạt động đào tạo trực tiếp nếu bảo đảm các quy định về an toàn phòng, chống dịch bệnh. Ở những địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 và cấp độ 4, các cơ sở đào tạo tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến hoặc kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến tùy theo phương án cụ thể của nhà trường được ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch cho người học theo hướng dẫn của Bộ Y tế, triển khai các công tác phòng chống dịch cũng như xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Các địa phương căn cứ tình hình để tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi: Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ hơn 97 triệu liều vaccine phòng COVID19; trong đó một số tỉnh, thành phố đã được phân bổ vaccine với số lượng đủ để tiêm 2 mũi cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình dịnh và nguồn cung ứng vaccine để tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nội dung trên được nêu rõ trong Công điện số 1675/CĐ-BYT ngày 22/10/2021 Bộ Y tế gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Hà Nội triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Theo thống kê của Bộ Y tế, thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tính đến hết ngày 21/10/2021, Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ hơn 97 triệu liều vaccine phòng COVID19; trong đó một số tỉnh, thành phố đã được phân bổ vaccine với số lượng đủ để tiêm 2 mũi cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi. Các địa phương đã tích cực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng khi nhận được vaccine, những ngày gần đây mỗi ngày cả nước tiêm được khoảng 1,5-1,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Để đảm bảo sử dụng vaccine nhanh chóng, hiệu quả, tăng nhanh diện bao phủ trong thời gian sớm nhất cho nhóm nguy cơ để có thể từng bước mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ em dưới 18 tuổi, Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiêm chủng bao phủ cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Đối với việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch tiêm theo lộ trình đã được Bộ Y tế hướng dẫn tại Công văn số 8688/BYT-DP ngày 14/10/2021 đồng thời căn cứ vào tình hình dịnh COVID-19 tại địa phương và nguồn cung ứng vaccine để tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm trên toàn quốc là 72.929.311 liều; trong đó tiêm 1 mũi là 51.883.474 liều, tiêm mũi 2 là 21.045.837 liều.

Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên: "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất cần sự vào cuộc, chủ động của mỗi đơn vị, địa phương, tăng cường phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng và mỗi người dân" – đây là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh tại Hội nghị trực tuyến với các đơn vị, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Căn cứ vào Nghị quyết số 128 của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương, tỉnh Thái Nguyên và các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh được xác định ở cấp độ 1, là cấp độ có nguy cơ, tương ứng với màu xanh. Do đó, từ ngày 19/10/2021, tỉnh Thái Nguyên bắt đầu thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh cho phép các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời, hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch cũng như sự quản lý, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Đối với người từ các địa bàn, cấp độ dịch khác nhau vào tỉnh Thái Nguyên, yêu cầu bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế với chính quyền địa phương và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không khai báo và khai báo y tế không trung thực. Tỉnh cũng đã dừng hoạt động các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong trạng thái bình thường mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định rằng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được quy định trong văn bản 5066 được triển khai, áp dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và thực hiện đảm bảo đúng yêu cầu và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 128. Đây được xem là biện pháp nới lỏng để từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ đối với các địa phương, đặc biệt là từ sau khi các địa phương, khu vực hết dịch vừa hết thời gian giãn cách thì chúng ta cần làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Trung ương, chúng ta phải đề cao cảnh giác, không được lơ là".

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thống nhất quan điểm thích ứng linh hoạt nhưng không chủ quan, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các quy định tại Công văn 5066, đặc biệt, phát huy vai trò của Tổ COVID-19 tại cộng đồng, lực lượng tham gia phòng, chống dịch ở cơ sở.

Đồng chí Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định: "Chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn báo cáo số liệu hàng ngày về sự biến động người về địa phương và phân loại. Đó là việc chúng tôi cho rằng là mấu chốt để chúng ta phòng, chống dịch, các vật tư để phòng, chống dịch cũng phải chuẩn bị sẵn sàng, tránh trường hợp bị động. Các địa phương phải quản lý dịch vụ, ngoài các khu công nghiệp, các đồng chí phải thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các doanh nghiệp trên địa bàn".

Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp trao đổi với người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã, đặc biệt là nơi có địa bàn giáp ranh với các địa phương lân cận để làm rõ một số vấn đề liên quan đến tiến độ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, kế hoạch và giải pháp cụ thể để phổ biến tuyên truyền và thực hiện Công văn 5066 của UBND tỉnh với những nhiệm vụ rất cấp thiết, quan trọng; đồng chí cũng trực tiếp lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các địa phương trong việc thực hiện các biện pháp đáp ứng tình hình mới, đồng chí yêu cầu: "Chúng ta phải bước sang 1 giai đoạn mới, cách làm khác, chúng ta đã mở cửa; do đó, vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là của các đồng chí Bí thư Đảng bộ các xã, phường, thị trấn là hết sức quan trọng. Tổ COVID-19 cộng đồng phải phát huy vai trò tối đa và thành viên Tổ COVID-19 cộng đồng cần phân chia nhiệm vụ rõ ràng, người dân nâng cao ý thức thông qua công tác tuyên truyền, vận động; đề nghị sớm có khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể ở cấp cơ sở đối với công tác phòng, chống dịch, tiếp tục làm tốt và làm tốt hơn nữa trong thời gian tới".

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định Thái Nguyên luôn sẵn sàng đáp ứng và đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch trên đúng phương châm "1 đồng phòng dịch, còn hơn 1.000 đồng chống dịch”. Đồng chí cũng gửi lời cảm ơn tới lực lượng phòng, chống dịch ở tuyến đầu, dành lời chúc tốt đẹp nhất tới những nữ cán bộ y tế đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, kiên cường ở nhiều vị trí, góp phần tích cực vào thành quả chống dịch của tỉnh Thái Nguyên cũng như nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 của toàn quốc.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 20, khóa XX cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng: Ngày 25/10, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 20, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 để thảo luận và quyết định một số nội dung quan trọng. Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Thảo luận, cho ý kiến đối với 02 Tờ trình xin ý kiến về chủ trương đầu tư cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên và Tờ trình xin ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Sân vận động Thái Nguyên, các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy tán thành về chủ trương đầu tư, bởi đây đều là các công trình có ý nghĩa quan trọng, tạo hạ tầng để thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; mang dấu ấn về văn hóa – xã hội, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố và tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng tập trung làm rõ cơ sở pháp lý, nguồn vốn đầu tư.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đối với các Tờ trình xin ý kiến về việc bổ sung nội dung trình tại Kỳ họp thứ ba (Kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026; Tờ trình xin ý kiến về việc khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và Nghị quyết số 21 ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị khóa XI; Tờ trình về công tác tổ chức bộ máy, đa số các ý kiến nhất trí, thống nhất với nội dung trình.

Tại hội nghị lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nghe báo cáo về tiến độ công tác chuẩn bị và triển khai các hoạt động nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Thái Nguyên, gồm: công tác tuyên truyền trên các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh; công tác lễ tân, hậu cần, phương án đảm bảo an ninh trật tự cho cho lễ kỷ niệm diễn ra vào ngày 29/10/2021.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thống nhất một số vấn đề, đặc biệt liên quan tới các nội dung Tờ trình xin ý kiến chủ trương đầu tư.Đồng chí đề nghị, trên cơ sở ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung đảm bảo đúng quy định của pháp luật.Về công tác chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, nhấn mạnh đây là sự kiện lớn của tỉnh, đồng chí đề nghị các sở, ngành, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc; Các hoạt động hướng tới kỷ niệm đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả và an toàn phòng, chống dịch.

Kết nối giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp: Ngày 23/10, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước tổ chức diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì diễn đàn. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại diện các sở, ngành và 1 số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Điểm cầu tại tỉnh Thái Nguyên

Tại diễn đàn, đại diện các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế về chủng loại sản phẩm, khả năng cung ứng, tiêu chuẩn chất lượng, thời gian thu hoạch, giá bán dự kiến. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng trao đổi về kế hoạch sản xuất, thu mua, chế biến nông sản trong thời gian tới.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Dương Văn Lượng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ký kết Chương trình hợp tác phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn, có truy xuất nguồn gốc với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Hà Nội. Hiện nay, toàn tỉnh có 76 sản phẩm được phân hạng OCOP 3 đến 4 sao và 2 sản phẩm OCOP 5 sao.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Thái Nguyên sẽ tích cực kết nối, đẩy mạnh giao thương với các địa phương trong thời gian tới.

Nhằm đẩy mạnh giao thương với các địa phương, Thứ trưởng Trần Thành Nam đề nghị các tỉnh phải coi trọng chất lượng nông sản cũng như nắm được thông tin các đầu mối cung ứng, phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân.

Thái Nguyên dừng hoạt động các chốt phòng, chống dịch COVID-19: Trước tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, tỉnh Thái Nguyên vừa ra văn bản số 5066 về việc áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong đó, có nội dung dừng hoạt động các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

gay sau khi có văn bản chỉ đạo của tỉnh về việc cho dừng hoạt động các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, sáng ngày 19/10, tại nhiều chốt kiểm soát trên các tuyến đường, cửa ngõ của tỉnh đã bắt đầu tiến hành tháo dỡ và dừng hoạt động… Thời gian qua, đội ngũ cán bộ trực chốt luôn phải căng mình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an toàn công tác phòng dịch, rà soát đối tượng ra vào tỉnh, chính vì vậy, khi các chốt này được tháo dỡ đã làm giảm áp lực đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại đây.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Các lực lượng tiến hành tháo dỡ chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.

Anh Nguyễn Văn Kính, phường Lương Sơn, TP Sông Công chia sẻ: "Công việc gia đình phải sắp xếp ra chốt để hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh, rất phấn khởi là dịch bệnh cũng giảm và có công văn gỡ chốt, chúng tôi cũng về củng cố kinh tế gia đình, tiếp tục công việc địa phương".

Trung tá Lương Văn Hoàng, Phó trưởng Công an phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên cho hay: "Đến nay, đã được dỡ chốt, các lực lượng rất vui mừng, nhưng bên cạnh đó cũng khuyến cáo bà con nhân dân thực hiện theo biện pháp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của UBND tỉnh Thái Nguyên".

Không chỉ đối với lực lượng chức năng, theo ghi nhận, tinh thần của đa số người dân, nhất là những người thường xuyên phải di chuyển, lưu thông ra vào tỉnh rất phấn khởi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng không ít người lo ngại khi tình hình dịch bệnh vẫn có nhiều diễn biến phức tạp…

Anh Triệu Phú Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Tôi vẫn lo lắng, ra ngoài phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc đông người".

Anh Nguyễn Văn Toán, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang chia sẻ: "Những chi phí như giấy test nhanh, gây tốn kém cho các doanh nghiệp, mong muốn sớm hết dịch".

Có thể nói, việc nới lỏng kiểm soát là điều cần thiết để từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dịch bệnh luôn hiện hữu, có thể bùng phát bất cứ lúc nào, vì vậy, mỗi người dân không nên chủ quan, lơ là, đặc biệt phải thực hiện khai báo y tế trung thực cũng như theo dõi sức khỏe tại nhà thường xuyên, đảm bảo thực hiện giữ khoảng cách và tuân thủ đúng quy định 5K của Bộ Y tế. Từ đó, góp phần cùng cả hệ thống chính trị và người dân cả nước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Khắc phục tình trạng xuống cấp mặt cầu Gia Bẩy: Cầu Gia Bẩy – cây cầu mang giá trị văn hóa lịch sử to lớn, đã từng là biểu trưng cho TP Thái Nguyên. Sau 1 thời gian dài sử dụng, cầu Gia Bẩy đã xuống cấp nghiêm trọng và cần nhanh chóng được sửa chữa, nâng cấp, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa lịch sử cho địa phương và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đáp ứng sự mong mỏi của người dân, từ ngày 25/10, mọi phương tiện sẽ bị cấm lưu thông qua cầu Gia Bảy để phục vụ thi công cải tạo, sửa chữa cây cầu này.

Với sự quan tâm đầu tư hướng tới phát triển kinh tế, xã hội, những năm gần đây, nhiều tuyến giao thông mới đã được thiết lập. Song cầu Gia Bẩy vẫn là tuyến giao thông huyết mạch, nối liền Quốc lộ 1B và Quốc lộ 3 cũ đi qua địa phận huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai và tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, hiện nay mặt cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Từ 25/10 đến 23/11 cấm các phương tiện qua cầu Gia Bẩy đến khi hoàn thành việc sửa chữa cầu

Ông Bùi Văn Lộc, tổ 1, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên cho biết: “Chỉ cần đi sau những chiếc xe tải là đất cát ở trên thùng xe rơi xuống rất nguy hiểm".

Anh Nguyễn Quang Huy, tổ dân phố Đồng Bẩm, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên phản ánh: “Sáng nào em cũng đi qua đây. Mặt cầu xuống cấp quá rồi. Được sửa nhiều lần rồi nhưng lại thấy bị xuống cấp nhanh chóng”.

Mặc dù chiều dài chỉ gần 100 mét, song mặt cầu – nhiều vị trí đã xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện tình trạng bong tróc phần mặt nhựa phía trên. Thậm chí là cả những lỗ thủng lớn. Mặc dù đã nhiều lần được duy tu, sửa chữa, tuy nhiên, do mật độ nhiều phương tiện lưu thông qua lại lớn, cộng với không được sửa chữa triệt để, nên tình trạng hư hỏng mặt cầu Gia Bẩy không chỉ gây mất mỹ quan, ô nhiễm khói bụi, mà còn khiến cho các phương tiện lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn mất an toàn giao thông.

Anh Nguyễn Quang Huy, tổ dân phố Đồng Bẩm, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên cho biết thêm: “Mỗi lần em đi qua phải lách bên ngày, lách bên kia. Nhiều lúc là suýt va chạm với ô tô đi bên cạnh rồi. Rất nguy hiểm”.

Ông Bùi Văn Lộc, tổ 1, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên kể lại: “Có khi chỉ tránh cái ổ gà thôi. Nhưng xe phía sau vẫn tưởng mình đi thẳng. Vậy là xảy ra va chạm giao thông. Rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.

Cầu Gia Bẩy thường xuyên có lưu lượng các phương tiện tham gia đông, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm. Vì vậy, TP Thái Nguyên đã thông qua kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cầu Gia Bẩy và đảm bảo mỹ quan cho cây cầu- một trong những biểu trưng của thành phố.

Trên cơ sở đó, theo văn bản số 4950 của UBND tỉnh từ ngày 25/10 mọi phương tiện sẽ bị cấm lưu thông qua cầu để phục vụ việc sửa chữa, cải tạo. Các cơ quan chức năng sẽ lắp đặt biển báo đường bộ để phân luồng, tổ chức giao thông tạm thời, phục vụ thi công. Người dân hãy lựa chọn những cung đường phù hợp cho cung đường lưu thông trong thời gian từ 25/10 đến 23/11 khi hoàn thành việc sửa chữa cầu Gia Bẩy.

Giảng dạy và nghiên cứu thích ứng an toàn với dịch bệnh: Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát tốt, nhưng hiện vẫn còn nhiều sinh viên của các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên chưa thể trở lại trường học tập do đang cư trú ở những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chính vì vậy, các nhà trường đã tổ chức hoạt động giảng dạy và nghiên cứu với những hình thức linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch bệnh.

ính đến thời điểm này, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên còn số lượng lớn sinh viên đang ở các vùng dịch chưa thể trở về trường. Do vậy, từ năm học này, nhà trường đã lắp đặt hệ thống camera và âm thanh tại hơn 40 phòng học để tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp song song với trực tuyến cho sinh viên mỗi lớp.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021
Hệ thống camera và âm thanh giúp các nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp song song với trực tuyến cho sinh viên.

TS Lê Xuân Hưng, Trưởng phòng Quản trị - Phục vụ, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên thông tin cụ thể: “Phần chính là 1 bộ máy tính điều khiển trang bị kèm 2 camera, 1 cái hướng lên bảng ghi lại bài giảng, 1 cái quay xuống lớp hình ảnh các bạn sinh viên..Hệ thống âm thanh đảm bảo sao cho sinh viên học trực tuyến đều đảm bảo chất lượng tiếp thu bài giảng như sinh viên học trực tiếp”.

Không chỉ các hoạt động dạy và học, các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cũng được nhiều trường tổ chức theo hình thức mới. Mới đây, hơn 40 giáo viên cấp THCS và THPT của 8 địa phương khu vực phía Bắc đã được tham gia bồi dưỡng kỹ năng “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh” theo hình thức trực tiếp qua lớp học ảo trên hệ thống LMS của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên. Hình thức tập huấn này giúp các học viên được tương tác thực trong lớp học mô phỏng.

TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Rất nhiều học viên sau khi tham gia khóa tập huấn đã để lại những phản hồi tưởng là trực tuyến khó mà lại còn thoải mái và dễ hơn học trực tiếp. Chúng tôi kết hợp những nền tảng số với nhau để giúp thu hẹp khoảng cách khi không thể gặp trực tiếp được”.

Việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và nghiên cứu sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19, đồng thời tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với giảng viên và sinh viên, qua đó góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục.