* Sự kiện được dư luận thế giới quan tâm nhiều trong tuần qua xung quanh cuộc chiến Nga-Ucraine; Các nước phương Tây gia tăng biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga; Nga-Trung phát triển quan hệ đối tác toàn diện; Thảm kịch khiến hơn 300 người thương vong trong vụ bạo động tại giải bóng đá Indonesia;…

- Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Các nước phương Tây gia tăng biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga
Ảnh minh họa.

Trước đó, EU khuyến nghị xúc tiến áp đặt bổ sung các biện pháp hạn chế thương mại và mở rộng danh sách cá nhân bị trừng phạt, thay vì áp dụng ngay lập tức mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga xuất khẩu qua đường biển đến các nước thứ ba, chủ yếu được các công ty châu Âu bảo hiểm.

Đại diện của 27 quốc gia thành viên EU đã thảo luận về đề xuất trên trong ngày 30/9 và đạt được sự đồng thuận ban đầu. Dự kiến, đề xuất này sẽ nhận được sự chấp thuận cuối cùng vào tuần tới.

Các nguồn tin cho biết 27 quốc gia thành viên EU cần nhất trí về gói trừng phạt và nếu vẫn còn bất đồng thì vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Prague (Séc) vào ngày 6-7/10.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/9 cũng cho biết đang khuyến nghị các quốc gia thành viên EU “đánh giá chặt chẽ hơn” các đơn xin thị thực du lịch của công dân Nga, đặc biệt là những trường hợp xin thị thực từ nước thứ ba.

Trong khi đó, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn đối với Nga nhằm vào hàng trăm cá nhân và công ty, kể cả tổ hợp công nghiệp-quân sự và các nhà lập pháp Nga.

Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 57 thực thể ở Nga và Crimea vào danh sách đen xuất khẩu của Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 người trong tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga, 2 lãnh đạo của ngân hàng trung ương Nga, thành viên gia đình của các quan chức hàng đầu và 278 thành viên của cơ quan lập pháp Nga.

Cùng ngày, Canada tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Các biện pháp này ảnh hưởng đến 43 nhà tài phiệt Nga, giới tinh hoa tài chính và gia đình của họ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh thông báo nước này đã trừng phạt Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina, áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.

Bộ trên cho hay Anh cũng đã áp đặt các lệnh mới về cấm xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ nhằm vào "các lĩnh vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế Nga"./.

- Theo Sputniknews, Điện Kremlin ngày 1/10 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện mừng tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân kỷ niệm 73 năm Quốc khánh Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh và Moskva phát triển quan hệ đối tác toàn diện, bất chấp tình hình quốc tế phức tạp trong các lĩnh vực khác nhau.

Thông cáo của Điện Kremlin có đoạn viết: "Quan hệ Nga-Trung đang phát triển năng động trên tinh thần đối tác toàn diện và tương tác chiến lược. Bất chấp tình hình quốc tế phức tạp, chúng ta đang hợp tác thành công trong nhiều lĩnh vực nhất, cùng nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới dân chủ và bình đẳng hơn, đồng thời chống lại các mối đe dọa và thách thức đương đại."

Ông Putin đồng thời tái khẳng định Moskva sẵn sàng tiếp tục đối thoại song phương và hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh vì lợi ích của hai quốc gia thân thiện Nga và Trung Quốc.

- Hãng tin Reuters dẫn phát biểu của các quan chức Indonesia ngày 2/10 cho biết ít nhất 174 người thiệt mạng và 180 người bị thương trong vụ giẫm đạp và bạo loạn xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java. Đây được cho là một trong những vụ giẫm đạp tại sân vận động nghiêm trọng nhất trên thế giới.

[Ảnh] Thảm kịch khiến hơn 300 người thương vong trong vụ bạo động tại giải bóng đá Indonesia ảnh 13
Khung cảnh hỗn loạn sau trận đấu giữa Arema và Persebaya. (Ảnh: Bola)

Phát biểu với các phóng viên, cảnh sát trưởng tỉnh Đông Java, ông Nico Afinta cho hay - sau khi trận thi đấu giữa hai đội Arema FC và Persebaya Surabaya kết thúc tối 1/10 với tỷ số 2 - 3, do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của đội Arema FC đã lao vào sân, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay trong nỗ lực kiểm soát tình hình, khiến đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh các nhà chức trách phải đánh giá kỹ tình hình an ninh tại các trận đấu, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng đây sẽ là "thảm kịch bóng đá cuối cùng trong nước". Ông Widodo cũng đã ra lệnh cho Liên đoàn bóng đá Indonesia đình chỉ tất cả các trận đấu tại giải đấu hàng đầu Indonesia BRI Liga 1 cho đến khi cuộc điều tra toàn diện về vụ bạo loạn nói trên hoàn tất.

Indonesia sẽ là nước chủ nhà tổ chức Vòng chung kết U20 World Cup 2023 vào tháng 5 và tháng 6/2023.

* Thông tin trong nước cũng được đăng tải với nhiều tin tức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội. Nổi bật là các thông tin về: Phiên họp Chính phủ tháng 9; Lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi; Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz cùng đoàn đại biểu cấp cao Cuba thăm chính thức Việt Nam; Tình hình mưa lũ tại miền trung;…

- Sáng 1/10, nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi, tại Hưng Yên, Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn."

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Lễ phát động.

Chu tich nuoc du Le phat dong Thang hanh dong vi nguoi cao tuoi hinh anh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình tặng bằng vinh danh và quà lưu niệm cho các tập thể và cá nhân tích cực hưởng ứng, đóng góp cho công tác chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thân ái gửi tới 12 triệu người cao tuổi trong cả nước lời thăm hỏi ân cần và những tình cảm kính trọng; nhiệt liệt biểu dương người cao tuổi Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khơi gợi lại quyết tâm bảo vệ, xây dựng đất nước của các bậc phụ lão tại Hội nghị Diên Hồng diễn ra vào năm 1284 cùng tinh thần hướng ứng “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” năm 1941 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý chí vĩ đại của người cao tuổi Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Qua từng thời kỳ, người cao tuổi là tấm gương sáng giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho các thế hệ trẻ, là sợi dây bền chặt gắn kết tình làng nghĩa xóm, gìn giữ và phát huy văn hóa, cốt cách Việt Nam.

Theo Chủ tịch nước, nhiều người cao tuổi là gương điển hình làm kinh tế, lao động sản xuất giỏi, tiếp tục phát huy tâm huyết, kiến thức, kinh nghiệm, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, “người cao tuổi là vốn quý, là nguồn lực quan trọng của xã hội, là rường cột của gia đình và cộng đồng," Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn hàng nghìn cụ bà được phong tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; tri ân sự hy sinh anh dũng của nhiều người cao tuổi là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, những cống hiến miệt mài của các Anh hùng Lao động, những người dù tuổi cao nhưng vẫn phát huy tâm huyết, kiến thức, kinh nghiệm góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch nước cũng hoan nghênh nhiều người cao tuổi là kiều bào dù ở xa Tổ quốc vẫn động viên con cháu, thế hệ trẻ giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc văn hóa Việt, hướng về cội nguồn, tích cực đóng góp nguồn lực xây dựng đất nước.

Chủ tịch nước đánh giá cao Hội Người cao tuổi cả nước với 10 triệu hội viên, trong đó có Hội Người cao tuổi của tỉnh Hưng Yên đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận, tổ chức tốt Tháng hành động và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,” “Phong trào khuyến học, khuyến tài," “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở," “Xóa nhà tạm; áo ấm người cao tuổi, trợ giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn."

Đặc biệt, các cấp Hội và người cao tuổi cả nước đã nỗ lực đóng góp phòng, chống đại dịch COVID-19, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như ủng hộ tài chính, nhu yếu phẩm, kiến thức và kinh nghiệm, góp phần đẩy lùi dịch bệnh…

- Ngày 1/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022.

Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự hội nghị.

Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau cơ bão số 4, hoàn lưu của bão gây mưa lớn tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên, nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ, làm 7 người bị thiệt mạng.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình có người không may mắn thiệt mạng do mưa lũ; chia sẻ với Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các địa phương có những khó khăn, thiệt hại do mưa lũ.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống lụt bão, nhất là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30/9/2022 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, khó đoán định, chưa có tiền lệ với nhiều rủi ro cả trong ngắn, trung và dài hạn.

Trong bối cảnh đó, nhờ những nỗ lực, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam đạt được kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc; an ninh trật tự được bảo đảm; đối ngoại được thúc đẩy toàn diện và cân bằng; quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an sinh xã hội được quan tâm...

Thủ tướng đề nghị tại hội nghị này, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng Chín và 9 tháng năm 2022; những kết quả đã đạt được, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình chỉ đạo, điều hành, thực hiện; dự báo tình hình những tháng cuối năm; nhiệm vụ, giải pháp mới để ứng phó với tình hình nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Theo chương trình, tại Hội nghị, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng Chín và 9 tháng năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Chiều 2/10, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz cùng đoàn đại biểu cấp cao Cuba đã rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 28/9 đến 2/10.

Thu tuong Cuba ket thuc tot dep chuyen tham chinh thuc Viet Nam hinh anh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz chụp ảnh chung. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz đã vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; dự lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa hai bên; dự Diễn đàn xúc tiến kinh doanh Việt Nam-Cuba; gặp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và một số hoạt động khác.

Trong buổi tiếp Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Manuel Marrero Cruz; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và tăng cường hợp tác giữa hai đảng, hai nước Việt Nam-Cuba đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro và các thế hệ lãnh đạo hai đảng, hai nước dày công vun đắp.

Tổng Bí thư khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của Việt Nam.

Tại buổi hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz bày tỏ vui mừng đến thăm Việt Nam; khẳng định Cuba luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện với đất nước Việt Nam anh em.

Thủ tướng Manuel Marrero Cruz chúc mừng những thành tựu to lớn và toàn diện của Việt Nam trong suốt quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, đổi mới, hội nhập quốc tế. Thủ tướng Cuba bày tỏ sẵn sàng lắng nghe Việt Nam chia sẻ thêm các kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai thực hiện đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập, ứng phó với các thách thức kinh tế toàn cầu.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ hai nước thời gian qua. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, Việt Nam luôn ở bên cạnh, đoàn kết và ủng hộ Cuba anh em.

Tại buổi hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz khẳng định, Cuba đánh giá cao tình hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai nước, đã được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Thông báo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về tình hình của Cuba, đặc biệt là trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội Cuba, Thủ tướng Manuel Marrero Cruz cho biết Quốc hội Cuba đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng, như các đạo luật về an ninh lương thực, dữ liệu cá nhân, hình sự, tố tụng hình sự, tài nguyên thiên nhiên, quyền con người, dịch thuật và phiên dịch, bảo vệ di sản văn hóa…

Đặc biệt, sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Gia đình mới, Cuba đã trưng cầu dân ý về Bộ luật này và đạt được tỷ lệ đồng thuận rất cao của nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Cuba nhằm trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp và giám sát, đồng thời phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực.

Tại Hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai bên đánh giá cao các bước phát triển mới về quan hệ hợp tác hai nước thời gian qua, nhất là về nông nghiệp, đầu tư, y tế, cũng như hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương.

Hai bên nhất trí thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì đối thoại, trao đổi đoàn cấp cao, giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hợp tác song phương thông qua các cơ chế hội thảo lý luận giữa hai Đảng, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học-công nghệ...

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Thainguyentv đã đưa nhiều tin tức, sự kiện đáng chú ý trên các lĩnh vực.

- Ngày 30/9, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì Hội nghị lần thứ 17 BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 để cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.

Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.

Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022
Hội nghị lần thứ 17 BCH Đảng bộ tỉnh khoá XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến đối với 05 nội dung do Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo, xin chủ trương trước khi trình HĐND tỉnh gồm: kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2022; tiến độ triển khai thực hiện Kết luận số 1046 ngày 01/7/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh; tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách nhà nước; kết quả thực hiện Chương trình chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận, chỉ thị, thông báo, quyết định, quy định và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đối với các nội dung do Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy tiếp thu tối đa ý kiến tại hội nghị; bổ sung, hoàn thiện các văn bản, đồng thời tiếp tục rà soát kỹ trước khi tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đồng thời rà soát, bổ sung những giải pháp thiết thực, cụ thể, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022.

Cho ý kiến một số vấn đề cụ thể, đ/c Bí thư Tỉnh uỷ đặc biệt lưu ý, nhấn mạnh quan điểm của lãnh đạo tỉnh trong chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kết luận 1046 ngày 01/7/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh…

Đống chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng nhấn mạnh yêu cầu phải bằng nhiều giải pháp, nỗ lực tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế; có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên các lĩnh vực, nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo thực hiện chương trình chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, địa phương với lộ trình rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tiễn.

- Ngày 29/9, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã chủ trì Phiên họp thứ 21, Thường trực HĐND tỉnh để nghe, thảo luận, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.

Phiên họp thứ 21, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp

Tại phiên họp, báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh từ sau phiên họp thứ 20 đến nay cho thấy Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh và Văn phòng chuẩn bị và tổ chức thành công Kỳ họp thứ 8 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh.

Về hoạt động giám sát, khảo sát, HĐND tỉnh đã tổ chức đã tổ chức các đoàn Khảo sát về các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2019-2021 tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn nhằm đánh giá tình hình, tổng hợp nội dung để chuẩn bị cho hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó các công tác khác như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hiện nhiệm vụ giữa hai kỳ họp cũng được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt.

Tại phiên họp, các Ban của HĐND tỉnh đã báo cáo Dự thảo kế hoạch giám sát việc tổ chức thực hiện Kết luận số 1046 ngày 01/7/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Kế hoạch giám sát về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ bảy và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 42 ngày 20/7/2020 của HĐND tỉnh, kế hoạch giám sát việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh đang học tại các trường phổ thông Dân tộc bán trú và nội trú thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý.

Trên cơ sở thảo luận của các đại biểu vào các nội dung báo cáo tại phiên họp, phát biểu kết luận, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức phản ánh, chất vấn, và giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đối với các vấn đề cử tri quan tâm. Cơ quan tham mưu chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh trong tháng 10 tới. Đối với kế hoạch giám sát việc tổ chức thực hiện kết luận số 1046, Thường trực thống nhất sẽ thực hiện thao hình thức gián tiếp, có kết hợp với khảo sát trực tiếp. Đồng chí cũng đề nghị Văn phòng khẩn trương triển khai thực hiện việc nâng cấp phần mềm Wedsite của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo hướng phù hợp, hiệu quả, thân thiện, dễ sử dụng phục vụ tốt nhất cho công tác chỉ đạo, điều hành thông tin tuyên truyền của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

- Ngày 30/9, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị Ban Tổ chức của các địa phương đăng cai Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II năm 2022.

Theo kế hoạch, Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II diễn ra từ ngày 6-8/10/2022 tại tỉnh Thái Nguyên với Chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Dao 14 tỉnh trong cả nước.

Cách bảo tồn văn hóa truyền thống của người Dao
Một hình thức bảo tồn văn hóa văn nghệ mà người Dao ở Thái Nguyên đã duy trì hiệu quả, đó là thành lập các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ

Báo cáo nhanh của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cơ quan Thường trực Ban Tổ Ngày hội cho thấy, đến nay tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị cho Ngày hội đã cơ bản hoàn thành: Ban Tổ chức đã khảo sát, lựa chọn địa điểm và xây dựng nội dung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp ý kiến, thảo luận các phương án chuẩn bị và tổ chức Ngày hội, tập trung vào một số nội dung: hoàn thiện kịch bản chi tiết, cụ thể để các tỉnh tham gia Ngày hội bố trí thời gian tập luyện, chuẩn bị các hoạt động; xây dựng các phương án vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, đảm bảo an ninh trật tự và công tác lễ tân, hậu cần, phục vụ đưa đón các Đoàn đến tham gia Ngày hội.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội nhấn mạnh: Việc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc là niềm vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Vì vậy, các cơ quan, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần tích cực, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các tỉnh bạn chuẩn bị tốt nội dung, điều kiện phục vụ đăng cai tổ chức Ngày hội. Đồng thời đề nghị các đơn vị, địa phương đăng cai căn cứ vào kế hoạch phân công nhiệm vụ, chuẩn bị thật kỹ các phần việc để Ngày hội diễn ra thuận lợi, thành công. Trong quá trình tổ chức các hoạt động cũng cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19./.