* Tuần qua, tin tức về việc tìm kiếm thỏa thuận nâng trần nợ công của chính giới Mỹ, cũng như về cuộc chạy đua trong sản xuất chip bán dẫn giữa Trung Quốc và Mỹ là những thông tin quốc tế nổi bật trên Thainguyentv.vn.

- Chính giới Mỹ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận nâng trần nợ công, nhằm tránh cho nền kinh tế số 1 thế giới lần đầu vỡ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tiếp tục kêu gọi Nhà Trắng và đảng Cộng hòa nhanh chóng đạt được thỏa thuận về trần nợ công, nếu không nước Mỹ sẽ không thể “trụ được” đến ngày 15/6 - thời điểm mà một số tiền thuế khá lớn sẽ được trả. Nước Mỹ sẽ vỡ nợ trước thời điểm đó.

Dẫu vậy, trước khi rời Nhật Bản sau thượng đỉnh G7, Tổng thống Joe Biden vẫn còn chỉ trích các đề xuất của đảng Cộng hòa liên quan cuộc khủng hoảng nợ công là “không thể chấp nhận được”. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo, chính quyền không thể đảm bảo tránh được kịch bản nước Mỹ vỡ nợ.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Biden đã chấp nhận cắt giảm chi tiêu, nhưng phản đối các biện pháp mà đảng Cộng hòa đưa ra; thay vào đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu khác và tăng thuế đối với những người giàu nhất cùng các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn. Tuy nhiên Đảng Cộng hòa đã từ chối chấp nhận biện pháp tăng thuế này. Tổng thống Mỹ cáo buộc một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang sẵn sàng chứng kiến việc nước Mỹ vỡ nợ, để gây khó khăn cho ông trong cuộc đua tiếp tục nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ vào năm tới.

- Ngày 21/5, chính phủ Trung Quốc tuyên bố các sản phẩm của hãng chip Micron đe dọa rủi ro an ninh quốc gia và sẽ bị cấm bán cho các công ty vận hành hạ tầng thông tin trọng yếu (CIIO). Theo đó, “gã khổng lồ” bán dẫn Mỹ không vượt qua được bài kiểm tra an ninh mạng của Trung Quốc. CIIO bao gồm hàng loạt pháp nhân, từ nhà mạng đến ngân hàng, công ty điện nước.

Điểm sự kiện từ ngày 22/5 đến ngày 28/5/2023
Văn phòng Micron tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Như vậy, tất cả CIIO phải ngừng mua sản phẩm của Micron, theo quyết định của Văn phòng đánh giá an ninh mạng thuộc Cơ quan quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC).

Quy định đối với CIIO tại Trung Quốc rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực được xem là trọng yếu với an ninh quốc gia và đời sống người dân, từ các dịch vụ công ích như thông tin, truyền thông, năng lượng đến vận tải, nước và tài chính.

Quyết định được ban hành 50 ngày sau khi CAC tiến hành điều tra các sản phẩm của Micron vào cuối tháng 3 với lý do an ninh quốc gia. Theo tuyên bố mới nhất, các sản phẩm của Micron bị phát hiện chứa “rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, đe dọa rủi ro bảo mật đáng kể đối với chuỗi cung ứng hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc và an ninh quốc gia”.

Phán quyết về cơ bản sẽ cấm bán sản phẩm của Micron tại Trung Quốc, “xóa sổ” thị trường đóng góp 11% cho tổng doanh thu 30,8 tỷ USD năm 2022 của hãng chip này. Micron cung ứng nhiều loại sản phẩm như DRAM, NAND, ổ cứng thể rắn.

Cấm sản phẩm Micron là động thái đầu tiên của Trung Quốc liên quan đến một nhà sản xuất chip lớn của Mỹ. Một số người trong ngành xem đây là đòn trả đũa của nước này sau khi Micron vận động Washington áp dụng các biện pháp hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến.

Tháng 10/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden siết chặt lệnh cấm xuất khẩu các công nghệ bán dẫn hiện đại sang Trung Quốc, bao gồm thiết bị sản xuất chip, phần mềm thiết kế do nguy cơ công nghệ lõi của Mỹ rơi vào tay quân đội Trung Quốc.

* Thông tin trong nước được đăng tải với nhiều tin tức nổi bật. Trong đó, tập trung phản ánh các nội dung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và nhiều thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

- Sáng 22/5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Điểm sự kiện từ ngày 22/5 đến ngày 28/5/2023
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Đăng Khoa)


Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Kỳ họp thứ 5 được chia làm 2 đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội: đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6; đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; 2 dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp. Quốc hội cũng xem xét, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Đồng thời, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng về: Giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội…

Về hoạt động giám sát tối cao, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét một số báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước…

Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp, cụ thể là: Xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.

- Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Điểm sự kiện từ ngày 22/5 đến ngày 28/5/2023
Ảnh minh họa: TTXVN

Về mục tiêu, yêu cầu, Chỉ thị nêu rõ:

1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông.

2. Nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

3. Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

4. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông.

Chỉ thị cũng đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm và công tác tổ chức thực hiện.

* Trong tuần, Thainguyentv.vn đã đăng tải nhiều thông tin quan trọng trên địa bàn tỉnh: Sinh hoạt chính trị về nội dung tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Phát triển tổ chức Đảng trong Hợp tác xã; Đẩy mạnh phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp; Hội nghị Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng; Hoàn thành giải quyết kiến nghị của công dân trước 30/6/2023...

- Chiều 23/5, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã được tổ chức, xem xét, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng.

Điểm sự kiện từ ngày 22/5 đến ngày 28/5/2023
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 51, khoá XX, nhiệm kỳ 2020-2025.


Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, Hội nghị BTV Tỉnh ủy đã tập trung xem xét, cho ý kiến đối với các Dự thảo Báo cáo sơ kết thực hiện Đề án số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, giai đoạn 2021-2025; Kết quả 02 năm thực hiện Đề án số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an tỉnh Thái Nguyên thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Cho ý kiến đối với danh sách cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thái Nguyên tiêu biểu”.

Hội nghị BTV Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo, xin ý kiến về nội dung chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Khu công nghiệp Sông Công II và Khu công nghiệp Điềm Thụy (Khu A). Kết quả 02 năm thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo, kết quả điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên.

Cũng trong chương trình làm việc, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành quy trình bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

- Ngày 24/5, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện Giám sát chuyên đề về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đối số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đối với Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo.

Điểm sự kiện từ ngày 22/5 đến ngày 28/5/2023
Toàn cảnh buổi giám sát.

Thời gian qua, Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Đầu tư trang thiết bị đảm bảo hạ tầng cho công tác chuyển đổi số. Thực hiện hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt đối với các hoạt động thanh toán lương, phụ cấp, thu khoản phí và các khoản thu trong nhà trường. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số của ngành.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng đoàn yêu cầu ngành Giáo dục tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát; tiếp tục đánh giá việc giáo viên, học sinh sử dụng ứng dụng C-Thái Nguyên; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phát huy hiệu quả của chuyển đổi số đối với các hoạt động của ngành./.