Điểm sự kiện từ ngày 19/8 đến ngày 25/8/2024
* Trong tuần qua, dư luận thế giới tiếp tục quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử Mỹ; Cuộc chiến Nga - Ukraine: trao đổi hàng trăm tù binh bị bắt ở Kursk; Trung Đông thêm ‘nóng’ khi Israel và Hezbollah lại đọ hỏa lực; Báo động về dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi; Gia tăng số người thiệt mạng trong vụ lật thuyền ở Serbia; Mưa lớn, lũ, sạt lở đất ở nhiều quốc gia: Mưa lớn gây thiệt hại tại Trung Quốc; Thái Lan kêu gọi người dân sẵn sàng đối phó với khủng hoảng lũ lụt;…
- Israel đã không kích dữ dội vào miền Nam Liban sáng 25/8 và tuyên bố đây là cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Hezbollah. Hezbollah cùng ngày cũng triển khai thiết bị bay không người lái tấn công Israel. Diễn biến này gây quan ngại về xung đột rộng lớn hơn, có thể phá hỏng các nỗ lực nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Khói bốc lên sau cuộc pháo kích của Israel xuống Khiam, Liban ngày 23/8. Ảnh: THX/TTXVN |
Kênh Aljazeera cho biết hầu hết các cuộc không kích của Israel vào Liban đều diễn ra ở khu vực biên giới, sâu tới 5 km dọc theo đường biên giới dài 120 km.
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Chuẩn đô đốc Daniel Hagari sáng 25/8 cho biết: "Trong hành động tự vệ nhằm loại bỏ những mối đe dọa, quân đội Israel không kích các mục tiêu khủng bố ở Liban, nơi Hezbollah đang lên kế hoạch tấn công vào thường dân Israel. Chúng tôi cho rằng Hezbollah đang chuẩn bị tấn công Israel, đồng thời gây nguy hiểm cho người dân thường Liban. Chúng tôi cảnh báo người dân thường ở các khu vực mà Hezbollah đang hoạt động phải di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm ngay lập tức vì sự an toàn của chính họ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin, về cuộc không kích vào Liban sáng 25/8, đảm bảo rằng các cuộc không kích này mang tính chất phòng thủ. Bộ trưởng Gallant bày tỏ lòng biết ơn đối với người đồng cấp Mỹ vì đã sát cánh cùng Israel và vì sự hợp tác đang diễn ra, góp phần vào an ninh của Israel và ổn định khu vực.
Trước đó, vào ngày 24/8, ông Hagari cho biết nước này đang chuẩn bị cho một “tuần quan trọng” với Tel Aviv tin rằng Hezbollah sẽ ra tay trong vài ngày tới để trả đũa vụ ám chỉ huy quân sự của lực lượng này là Fuad Shukr.
Ngay sau đó, Hezbollah tuyên bố đã phát động tấn công vào Israel bằng một số lượng lớn thiết bị bay không người lái và đây là phản ứng ban đầu đối với vụ ám sát ông Fuad Shukr. Hezbollah cho biết cuộc tấn công này nhắm vào mục tiêu quân sự của Israel cũng như một số địa điểm, doanh trại và hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome). Hezbollah tuyên bố giai đoạn đầu của cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Israel đã kết thúc "với thành công hoàn toàn".
Diễn biến đáng quan ngại xảy ra trong bối cảnh Ai Cập tổ chức một vòng đàm phán mới nhằm chấm dứt xung đột Israel-Hamas, hiện đã bước sang tháng thứ 11. Hezbollah từng khẳng định sẽ dừng giao tranh ở miền Bắc Israel nếu có lệnh ngừng bắn tại Gaza.
Quan ngại về xung đột khu vực ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau vụ ám sát chỉ huy quân sự của Hezbollah là Fuad Shukr và thủ lĩnh chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh vào cuối tháng 7. Hezbollah đã cam kết sẽ trả đũa vụ ám sát ông Fuad Shukr.
- Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo, tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu lục này, cộng thêm những hạn chế trong công tác chẩn đoán bệnh và tỷ lệ tử vong cao đang tạo ra những thách thức lớn cho nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh này ở châu Phi.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại Nyiragongo, Bắc Kivu, CHDC Congo, ngày 15/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong báo cáo cập nhật về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi công bố hôm 23/8, Tổng Giám đốc của CDC châu Phi, Jean Kaseya, nêu rõ những thách thức này cũng liên quan đến sự lây lan nhanh chóng dịch bệnh đậu mùa khỉ sang các quốc gia khác và làm giảm hiệu quả phối hợp các nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm đến ngày 23/8 đã ghi nhận tổng cộng 21.466 ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở 13 nước châu Phi, trong số này có 591 ca đã tử vong.
Tuy nhiên, theo ông Kaseya, những con số này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" vì còn nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ khó phát hiện, những hạn chế trong việc giám sát, xét nghiệm và báo cáo về số ca mắc bệnh.
Tổng Giám đốc CDC châu Phi cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong cao và sự kết hợp giữa căn bệnh này với HIV/AIDS sẽ gây ra quan ngại y tế rất lớn cho châu Phi.
Trong một diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông tin từ Hãng thông tấn Senegal (APS) cho biết nước này đã triển khai hệ thống giám sát cấp quốc gia để đề phòng khả năng xuất hiện của virus đậu mùa khỉ.
Người đứng đầu Bộ phận giám sát và ứng phó với vaccine thuộc Bộ Y tế và Hành động xã hội Senegal, ông Boly Diop, cho biết nước này hệ thống giám sát được áp dụng trên toàn quốc, đặc biệt tại 46 quận ưu tiên nằm ở khu vực biên giới và các bến cảng, sân bay.
Trước đó, hồi đầu tuần, Bộ Y tế và Hành động xã hội Senegal cũng đã kích hoạt Trung tâm Điều hành khẩn cấp y tế (COUS) sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Ông Diop giải thích các biện pháp trên được triển khai nhằm tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát để bảo vệ người dân và ngăn bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập nước này.
Trong khi đó, tại Uganda, Bộ Y tế nước này xác nhận có thêm 2 ca mắc đậu mùa khỉ mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 4 ca. Hai bệnh nhân mới điều nhiễm chủng virus clade 1b, biến thể có tốc độ lây lan nhanh và đang gây ra mối lo ngại trên toàn cầu. Hiện cả hai bệnh nhân đều đã được cách ly tại một bệnh viện ở thị trấn Entebbe, cách thủ đô Kampala khoảng 50 km về phía Nam.
Virus đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng giống cúm, gây tổn thương da và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc gần. Mặc dù triệu chứng bệnh thường là nhẹ nhưng căn bệnh này có thể gây tử vong. Uganda giáp biên với CHDC Congo, một trong những điểm nóng dịch bệnh lớn nhất kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện hồi tháng 1/2023./.
* Trong tuần qua, từ ngày 19/8 đến ngày 25/8, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Kiểm tra việc đấu giá đất tại Hoài Đức (Hà Nội); Thái Bình thông tin vụ sai sót điểm thi; Phòng chống dịch sởi bùng phát tại các địa phương;...
- Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực trường đảng, kết nối liên thông, công nghiệp, tài chính, kiểm nghiệm kiểm dịch hải quan, y tế, báo chí truyền thông, địa phương và dân sinh.
Hai bên đã ra “Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”.
Trong Tuyên bố chung, Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam và luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Đây là lựa chọn chiến lược của hai bên.
Hai bên nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm túc nhận thức chung và những kết quả đạt được trong các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, nhất là hai chuyến thăm mang tầm vóc lịch sử trong năm 2022 và năm 2023 của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, cùng với “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” và “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” được lần lượt công bố trong hai chuyến thăm trên...
Phía Việt Nam khẳng định kiên định thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, công nhận trên thế giới chỉ có một Trung Quốc, còn Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc.
Hai bên khẳng định hợp tác quốc phòng - an ninh là một trong những trụ cột của quan hệ Việt - Trung; nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh; thông qua các kênh như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, Đối thoại quốc phòng an ninh, tăng cường giao lưu các cấp giữa quân đội hai nước; làm sâu sắc giao lưu biên phòng, hải quân, cảnh sát biển; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như công tác chính trị, công nghiệp quốc phòng, tàu hải quân thăm lẫn nhau, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...
Hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; đẩy nhanh thúc đẩy “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh.
Hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, trọng điểm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, năng lượng sạch, kinh tế số, phát triển xanh; sẽ tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp của nước kia...
Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
- Tiếp tục sức "nóng" từ kết quả phiên đấu đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Thanh Oai tổ chức ngày 10/8 với giá trúng tăng gấp 5-8 lần so với giá khởi điểm, phiên đấu giá 19 lô đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) kéo dài từ 8h sáng ngày 19/8 đến hơn 4 giờ sáng ngày 20/8 mới kết thúc.
Phiên đấu giá đất tại Hoài Đức Hà Nội có 517 khách hàng tham gia, đăng ký 1.100 bộ hồ sơ, lập kỷ lục về thời gian đấu giá 19 lô đất. Ảnh: TTXVN phát |
Với mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, sau hàng chục vòng đấu giá, phiên đấu giá đã xác định được giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2, tăng 12,5 lần giá khởi điểm. Dự kiến, tổng số tiền huyện thu được từ phiên đấu giá lần này đạt gần 190 tỷ đồng, chênh hơn 11 lần so giá khởi điểm.
Trước tình trạng giá trúng phi thực tế tại các huyện Hoài Đức và Thanh Oai vừa qua, ngày 21/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với cơ quan Công an để xác minh, làm rõ việc một số nhóm đối tượng tham gia đấu giá đất với mục đích "đẩy giá" đất nền.
Trước nghi ngại có tình trạng “thổi giá”, đầu cơ gây nhiễu loạn thị trường, ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo này, ngày 22/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Công văn số 2781/UBND-TNMT yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn Thủ đô. Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, thanh tra, công an và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện theo đúng chi đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82/CÐ-TTg.
* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 75, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Tập trung chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030; Ngập úng cục bộ do mưa lớn kéo dài gây nhiều thiệt hại;…
- Ngày 23/8 đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 75, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 để thảo luận và cho ý kiến vào các nội dung về phát triển KT-XH, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và một số nội dung khác theo thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 75 |
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào 27 nội dung về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, như: Kế hoạch tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XXI tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo, xin ý kiến về chủ trương điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Báo cáo, xin ý kiến về một số công trình, dự án...
- Ngày 21/8, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị các tiểu ban giúp việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Tổ chức phục vụ để nghe và cho ý kiến vào các nhiệm vụ của các Tiểu ban.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và những định hướng lớn cho sự phát triển của tỉnh trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Thời gian để chuẩn bị cho Đại hội không còn dài, do đó các Tiểu ban cần tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng vào các nội dung, chương trình, dự thảo, kế hoạch đảm bảo chất lượng cao và tiến độ. Đặc biệt, đối với việc xây dựng Văn kiện phải theo đúng chỉ đạo của Trung ương cần gắn kết việc nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn trên các lĩnh vực, có tinh thần đổi mới. Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến đối với các dự thảo: Quy chế làm việc, thông báo phân công nhiệm vụ của các Tiểu ban; kế hoạch biên tập Văn kiện; quyết định thành lập Tổ biên tập Văn kiện và quyết định thành lập Tổ giúp việc các tiểu ban; thông báo phân công nhiệm vụ Tổ biên tập Văn kiện; đề cương sơ bộ Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và triển khai một số nhiệm vụ khác của các tiểu ban…
Lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ đã được huy động có mặt kịp thời để lập chốt, phân luồng giao thông, hỗ trợ người dân |
- Trong 2 ngày 22 và 23/8, trận mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng cục bộ, chia cắt giao thông tại nhiều điểm của TP Thái Nguyên.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, đây là đợt mưa có lượng mưa lớn nhất ghi nhận trong nhiều năm qua tại TP Thái Nguyên, gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân như: ngập úng trên 161 ha lúa; ngập trên 6 ha nuôi cá truyền thống; nhiều khu vực, vị trí, đường tràn, ngầm tràn bị ngập sâu cục bộ gây chia cắt giao thông, sạt lở 8m đường giao thông tỉnh lộ, di dời khẩn cấp 38 hộ dân, 17 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 1,3 tỷ đồng. Sau khi mưa lũ xảy ra, các địa phương đã tập trung hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống./.