Dệt may Việt Nam nên theo hướng mua nguyên liệu, bán thành phẩm
Dệt may vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngành dệt may sẽ phải đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe về xuất xứ. Nhưng hiện nay, bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, ngành dệt may Việt Nam cần đầu tư vào ngành dệt và ngành tẩy nhuộm, cũng như tăng cường liên kết giữa ngành sợi, dệt và may mặc, hình thành các chuỗi cung ứng hữu cơ, liên kết cung ứng theo nguyên tắc thị trường từ sợi - vải - may.
Cần có các chính sách ưu đãi tín dụng để mua nguyên, phụ liệu dệt may do Việt Nam sản xuất. (Ảnh minh họa: KT) |
ThS. Đỗ Kim Chi, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các cơ quan quản lý cần phối hợp cùng Hiệp hội ngành nghề để ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp may mặc, chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm.
Cụ thể là, cần có các chính sách ưu đãi tín dụng để mua nguyên, phụ liệu do Việt Nam sản xuất. Ngoài ra, cần kích cầu đầu tư thiết bị chuyên dùng, hỗ trợ đào tạo nhân lực kinh doanh, kỹ thuật, xúc tiến, phát triển khách hàng trực tiếp… Điều này không chỉ gia tăng giá trị thặng dư mà còn là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
ThS. Đỗ Kim Chi cũng chỉ rõ, đối với các doanh nghiệp dệt, may cần tìm hiểu về nội dung cam kết liên quan đến sản phẩm của mình trên các khía cạnh thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật và biện pháp phòng vệ (chống phá giá, chống trợ cấp).
Ngoài ra, cần đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh…
Bên cạnh đó, nhà nước và các cơ quan chức năng nên có những hướng dẫn cụ thể các nội dung quy định về thuế, hải quan, tiêu chuẩn của các FTA để giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, với những ưu đãi thuế quan giúp các doanh nghiệp dệt may hội nhập thành công./.