Dệt may Việt Nam chủ động nguyên liệu thì mới hưởng lợi từ CPTPP
Năm 2018 được đánh giá là năm bứt phá của ngành dệt may, khi kim ngạch xuất khẩu đạt 36,164 tỷ USD, tăng trưởng hơn 16% (tương đương hơn 5 tỷ USD) so với năm 2017. Dệt may Việt Nam hiện nằm trong top 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Với đà tăng trưởng này, lãnh đạo ngành dệt may bày tỏ kỳ vọng, năm 2019 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đặt mục tiêu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, bảo đảm việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.
Mục tiêu này được Chủ tịch Vitas, ông Vũ Đức Giang nhìn nhận rằng khá khả quan, khi mà ngay ở thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm 2019. Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư đổ vào ngành dệt may đã và đang dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may trong nước, từ đó tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Ngành dệt may đã và đang chủ động để tăng sức cạnh tranh và tận dụng cơ hội khi các FTA được thực thi. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành may, năm 2019 là năm Việt Nam bắt đầu thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành dệt may có thêm nhiều cơ hội cũng như thách thức để tăng trưởng. Thách thức ở chỗ, nếu các doanh nghiệp trong ngành không đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ khó cạnh tranh được với các sản phẩm đến từ các nước tham gia Hiệp định.
Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành dệt may vì giúp thuế quan giảm, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Song điều này chỉ đúng nếu các doanh nghiệp đáp ứng được quy tắc về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… đặc biệt là xuất xứ nguyên liệu đầu vào.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas Trương Văn Cẩm, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu sẽ giải quyết nỗi lo phụ thuộc nguyên phụ liệu từ ngoại khối và giúp dệt may hưởng lợi từ CPTPP và các FTA khác.
Có cùng cách nhìn nhận, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích, với thế mạnh về vốn, kinh nghiệm, công nghệ và con người, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may mặc tại Việt Nam. Điều này vừa để tận dụng các lợi thế miễn giảm thuế từ các FTA, vừa để tránh, giảm ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc đang có nhiều diễn biến khó lường.
“Nếu như vậy kịch bản tăng trưởng của toàn ngành vẫn sẽ tốt nhưng tăng trưởng khu vực doanh nghiệp nội sẽ là đáng quan ngại. Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp may cần làm việc chặt chẽ với khách hàng cũng như doanh nghiệp sợi vải, liên kết chuỗi để cùng vượt qua các khó khăn thách thức mà biến động thị trường gây ra”, ông Hiếu nhận định.
Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Đưa ra những cơ sở để khẳng định ngành dệt may đã và đang chủ động để cạnh tranh khi các FTA được thực thi, ông Hiếu cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang chủ động liên kết, bắt tay nhau để tận dụng hiệu quả nhất các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Các doanh nghiệp dệt may đã phát triển công nghệ, quản trị tiên tiến, coi đây là biện pháp cốt lõi cho toàn ngành từ khâu đầu tới khâu cuối; xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà thiết kế để sản xuất theo hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất); liên kết chặt chẽ để giải quyết nguồn cung thiếu hụt; tập trung sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, đưa sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, theo đề xuất từ phía các chuyên gia trong ngành cũng như các doanh nghiệp cho thấy, để các doanh nghiệp ngành dệt may có những điều kiện thuận lợi tăng sức cạnh tranh, tận dụng các cơ hội từ các FTA, nhà quản lý cần tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may trong việc xây dựng nhà xưởng, thuê mặt bằng làm sao để có chi phí thấp, từ đó có thể tăng sức cạnh tranh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong năm 2019, ngoài câu chuyện về ảnh hưởng từ các FTA, doanh nghiệp trong ngành dệt may cần theo sát diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc. Thách thức chính là khi Mỹ đánh thuế cao vào hàng sản xuất tại Trung Quốc, khả năng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để “lách luật” về nguồn gốc xuất xứ, tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Do đó, các doanh nghiệp phải chủ động lường trước khả năng xảy ra và xây dựng các kịch bản ứng phó./.