Dệt may khó đạt mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD
Mặc dù đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu dệt may năm 2016 từ mức 31 tỷ USD xuống còn 29 tỷ USD, nhưng đến thời điểm hiện tại, mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may vẫn chưa thể hoàn thành.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - ông Hoàng Vệ Dũng cho biết, xuất khẩu dệt may năm 2016 dự kiến đạt 28,023 tỷ USD, chỉ tăng 5% so với năm 2015. Như vậy, so với mục tiêu 29 tỷ USD, xuất khẩu dệt may vẫn còn thiếu khoảng 1 tỷ USD.
Dệt may gặp khó khăn trong năm 2016. |
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho biết, xuất khẩu dệt may các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có mức tăng trưởng thấp 1 con số, kéo theo mức tăng trưởng thấp nhất của ngành dệt may trong 10 năm qua.
Theo phân tích của ông Dũng, sở dĩ tăng trưởng của ngành dệt may không cao do năm 2016 là năm kinh tế khó khăn, các nhà mua hàng thế giới rút ngắn kế hoạch mua hàng từ dài hạn thành ngắn hạn.
“Nếu trước đây, doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch từ 5-6 tháng thì nay kế hoạch này đã rút ngắn xuống còn 2-3 tháng. Thời gian đặt hàng ngắn nên đòi hỏi doanh nghiệp phải có giá cạnh tranh thì mới làm được”, ông Dũng nói.
Từ giữa năm 2016, xuất khẩu dệt may tăng trưởng khá chậm, mức tăng trong khoảng 5-6%. Nhiều doanh nghiệp dệt may, trong đó có cả doanh nghiệp lớn rơi vào tình thế “ăn đong” và thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong khi đó, giá xuất khẩu cũng giảm so với năm 2015. Trước tình hình này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và nhiều doanh nghiệp cũng đã dự báo khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm nay.
Ông Dũng cũng nhận định, dù có 1 năm sản xuất kinh doanh khó khăn, nhưng dệt may Việt Nam đã tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, chủ động đón đầu các cơ hội khi nước ta hội nhập. Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành dệt may đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước với mức doanh thu nội địa dự kiến năm 2016 ước đạt 4-5 tỷ USD.
Nhận định về kế hoạch của Tập đoàn Dệt may trong năm 2017, ông Dũng cho rằng việc xây dựng kế hoạch của doanh nghiệp cần phù hợp với nhu cầu thị trường để thích nghi nhanh.
“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, một trong những giải pháp trọng tâm mà ngành dệt may đặt ra trong năm 2017 là xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, hạn chế gia công và bán hàng qua trung gian, tức là mua tận gốc bán tận ngọn”, ông Dũng cho hay./.