Dẹp vấn nạn bơm nước vào lợn, trâu, bò và hóa chất trong tôm
Chăm sóc đàn lợn nuôi tại Cần Thơ. (Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN) |
Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Văn Việt- Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017 do Bộ này tổ chức sáng nay ngày (10/2), tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, năm 2016 được Bộ chọn là “Năm cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Trên cơ sở đó, Bộ và các địa phương đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, năm 2016 hoạt động giám sát an toàn thực phẩm tập trung vào các sản phẩm nông thủy sản tươi sống tiêu dùng hàng ngày của người dân.
Cụ thể, kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ thực hiện năm 2016 cho thấy: tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol là 6/1.345 mẫu (chiếm 0,44%), giảm so với năm 2015 (1,07%), đặc biệt trong 6 tháng cuối năm (từ tháng 7/2016 – 12/2016) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm. Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả và thịt vi phạm cũng giảm so với 2015.
Cụ thể, năm 2016 đã phát hiện 11/1.345 mẫu thịt chứa tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng (chiếm 0,82%), giảm so với 1,39% năm 2015;12/293 mẫu rau củ quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng (chiếm 4,1%), giảm so với 7,76% năm 2015...
Theo đó, các trường hợp vi phạm đã được cảnh báo, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, thanh tra, truy xuất, xử lý nhằm ngăn chặn tái phạm.
Bên cạnh đó, tính đến nay cả nước cũng đã có 50 tỉnh xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp lớn Vingroup, Dabaco, Ba Huân... Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
“Đây là những kết quả ban đầu hết sức quan trọng làm cơ sở cho việc nhân rộng trong thời gian tới nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho tiêu dùng trong nước và gắn kết với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Bạc Liêu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Đồng thời với mục tiêu là chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, năm 2016 Bộ cũng đã tập trung cao điểm vào việc kiểm soát, thanh tra đột xuất chất cấm, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, vật tư, phân bón.
“Qua đó, đã đạt được mục tiêu là kiểm soát việc sử dụng chất cấm salbutamol và vàng ô trong chăn nuôi. Qua lấy hơn 1.500 mẫu không phát hiện có chứa salbutamol và vàng ô. Tuy nhiên, quá trình thanh tra phát hiện nhiều trường hợp sử dụng hóa chất công nghiệp trong chăn nuôi. Đặc biệt, phát hiện chất mới là cysteamine sử dụng trong chăn nuôi. Vào tháng 1/2017 Bộ đã đưa chất này vào danh sách cấm vì có tính chất tương tự như salbutamol”, Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Việt nói.
Bên cạnh đó, theo ông Việt, phải đẩy mạnh thanh tra đột xuất công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên cả nước. Bởi việc thanh tra theo kế hoạch chỉ để nhắc nhở, có phát hiện nhưng không xử lý. Do đó Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với các cơ quan như: Bộ Công Thương, công an, y tế... thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề cao rằng: “An toàn thực phẩm là mặt trận ‘nóng bỏng,’ rất khó khăn, phức tạp. Do vậy, phải có những giải pháp đồng bộ, liên tục, kiên trì từ Trung ương xuống địa phương, triển khai quyết liệt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.”
Để triển khai Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị cơ sở coi nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và hỗ trợ phát triển, nhân rộng các chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn /.