Để không bỏ lỡ tiềm năng phát triển sản phẩm quà tặng du lịch
Điểm dừng nghỉ Hải Đăng - nơi dừng chân của nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh. |
Điểm dừng nghỉ Hải Đăng - nơi dừng chân của nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh. Nhiều người muốn tranh thủ lựa chọn những sản phẩm để làm quà cho gia đình, người thân. Tuy nhiên, ngoài một số nông sản đặc trưng riêng có của Thái Nguyên, rất khó có thể tìm được quà tặng, đồ lưu niệm ưng ý.
Bà Hoàng Thị Ngư, huyện Định Hóa, Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi thấy sản phẩm của các tỉnh rất nhiều, nhưng mặt hàng của Thái Nguyên chỉ thấy nhiều trà, măng, miến, nếu muốn mua những sản phẩm lưu niệm của Thái Nguyên hơi ít".
Nhiều đơn vị, khu, điểm du lịch tập trung khai thác nét đặc sắc về văn hóa dân tộc để phát triển sản phẩm quà tặng, lưu niệm. |
Sở hữu lượng lớn khu, điểm du lịch, với trên 500 cơ sở lưu trú, hàng triệu lượt du khách tham quan mỗi năm, thế nhưng hiện có rất ít mặt hàng lưu niệm đặc trưng, mang dấu ấn của mỗi điểm đến, mỗi địa phương. Trong khi đó, Thái Nguyên sở hữu kho tàng các di sản văn hóa phong phú, nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Đây là những tiềm năng để phát triển thị trường quà lưu niệm du lịch.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "7.988 lễ hội tương đương với số di sản của chúng ta, do vậy, mỗi địa phương cần phải xây dựng 1 sản phẩm quà tặng đặc sắc, chuyên biệt. Từ đó, chỉ có đến Việt Nam và đến địa phương đó mới có sản phẩm đó, chính là sản phẩm quà tặng mà các địa phương cần phải xây dựng".
Sản phẩm lưu niệm, quà tặng là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả; đồng thời, tạo thêm nguồn thu cho du lịch. Nhận thức được điều đó, đã có đơn vị, khu, điểm du lịch tập trung khai thác nét đặc sắc về văn hóa dân tộc để phát triển sản phẩm quà tặng, lưu niệm, qua đó không chỉ tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống cho người dân mà còn góp phần giữ chân du khách.
Chị Vũ Thị Duyên, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải cho hay: "Những nhà sàn, chong chóng tre, cối giã gạo rất phù hợp với học sinh cấp 2 đến đây để tìm hiểu văn hóa, các bạn rất thích những quà lưu niệm này".
Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban Quản lý khu di tích lịch sử, sinh thái ATK Định Hoá cho biết: "Các quầy có thể có những bộ quần áo Tày, nón Tày và những sản phẩm đặc trưng khác của Định Hóa mang tính lưu niệm, giá trị văn hóa và tinh thần, để quảng bá Khu di tích và du khách có những kỷ niệm và dấu ấn sau chuyến đi".
Bên cạnh sản phẩm quà tặng du lịch truyền thống như trà, nông sản,... việc phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm không những góp phần xây dựng một ngành du lịch chuyên nghiệp, mà còn là động lực để biến “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mặt khác, chính sản phẩm lưu niệm sẽ góp phần tạo nên thương hiệu và định vị du lịch xứ Trà trong lòng du khách./.