Đề án y tế thông minh: Vẫn còn những trở ngại
Khu vực thanh toán của Bệnh viện A Thái Nguyên |
Là cơ sở y tế đi đầu trong ứng dụng công nghệ số vào công tác chuyên môn, sau hơn 2 năm triển khai Đề án đến nay, Bệnh viện A đã thực hiện được nhiều phần việc quan trọng như sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, bước đầu triển khai mô hình Bệnh án điện tử... Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng công nghệ số vào công tác chuyên môn vẫn đang không ít khó khăn.
Bác sỹ CKII Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: "Đối tượng trẻ, trung niên đã được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin thì không vướng mắc gì, tuy nhiên một bộ phận lớn dân cư ở các địa bàn khó khăn, chưa có điều kiện hoặc chưa tiếp cận được những dịch vụ này nên vẫn thực hiện chi trả theo thói quen cũ, bên cạnh đó trong quá trình triển khai thì chúng tôi cũng thấy một số những hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật về công nghệ thông tin trong các bệnh viện cũng chưa có, đó là một trong những rào cản, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai".
Không chỉ vậy, thực tế hiện nay hạ tầng, trang thiết bị tại một số cơ sở y tế vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ đặc biệt là khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh...Điều này cũng đang gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện Đề án tại các tuyến y tế cơ sở.
Các tuyến y tế cơ sở, Trạm Y tế cấp xã vẫn đang gặp không ít khó khăn trong thực hiện đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh, |
Bác sỹ Nông Văn Ánh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sảng Mộc, Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết hiện trạng tại địa phương: "Có những hộ dân, cả nhà dùng chung một điện thoại do đồng bào điều kiện kinh tế còn khó khăn, bên cạnh đó đường truyền internet tại các vùng trũng không ổn định cũng là một rào cản lớn".
Bác sỹ Hà Văn Pháo, Trạm y tế xã Cúc Đường, Võ Nhai, Thái Nguyên: "Cán bộ y tế chúng tôi cũng đang từng bước học hỏi thêm về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế để phục vụ nhân dân được tốt hơn, hiện nay cán bộ tại Trạm chủ yếu là về chuyên môn nên chúng tôi cũng cần thêm thời gian để cập nhật kiến thức, hoàn thiện bản thân".
Đã có 205 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh, quản lý dân số, hồ sơ sức khỏe điện tử trên hệ thống chung |
Theo báo cáo, toàn tỉnh đã có 205 cơ sở khám chữa thực hiện kết nối liên thông với hơn 2,4 triệu hồ sơ liên thông trên hệ thống, hơn 70% số dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử, trên 560.000 tài khoản cài đặt Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử…Tuy nhiên, đến nay 5/13 nhiệm vụ của Đề án được ngành Y tế hoàn thành.
Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: "Cơ sở dữ liệu chung của toàn quốc hiện chưa được đồng bộ, thống nhất và đối với hệ thống của y tế cũng như vậy. Ví dụ như việc kết nối với các cổng thông tin của tỉnh hoặc Cổng thông tin Quốc gia còn chưa thống nhất hoặc những vấn đề về an ninh mạng, hệ thống nhân lực công nghệ thông tin tại các đơn vị hiện nay vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ".
Có thể thấy, việc triển khai hệ thống thông tin y tế với chuyển đổi số y tế là nền tảng và tiền đề quan trọng để y tế tỉnh Thái Nguyên hướng tới một nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả. Để hoàn thành được mục tiêu của Đề án, thời gian tới ngành y tế tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai những ứng dụng, giải pháp số cho lĩnh vực y tế, tập trung phát triển nguồn nhân lực góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới./.