Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở Bản Tèn
Một tiết học tại điểm trường Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ

Một giờ học của cô và trò lớp 4-5 tuổi điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Mỗi đồ vật gắn liền với từng từ trong tiếng Việt được cô giáo đọc chậm dãi để học sinh nghe, hiểu và đọc theo. Không chỉ giúp các em biết và nói được tiếng Việt, sự tận tâm của cô giáo còn giúp các em học sinh dân tộc Mông tự tin trong giao tiếp và tiếp xúc với với bên ngoài.

Em Vương Thiên Hiệu, Điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng, Đồng Hỷ: “Con học ở đây rất thích, con học múa, học hát, học chơi, học nói chuyện”.

Cô giáo Đỗ Thị Tình, Điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng, Đồng Hỷ: “Chúng em có thể áp dụng công nghệ thông tin, trẻ rất là thích và qua đó những đồ dùng trực quan học sinh động hơn, chân thực hơn. Hiệu quả dạy tăng cường tiếng Việt nâng cao rõ rệt”.

Điểm trường Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ là một trong những điểm trường xa và khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ, với gần 200 học sinh bậc học mầm non và tiểu học người dân tộc Mông theo học. Trong đó 100% đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

Thời gian qua, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, cơ sở vật chất của điểm trường đã được đầu tư xây dựng khang trang. Cùng với đó, thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, các thầy cô giáo tại điểm trường đã linh hoạt, sử dụng đa dạng các phương pháp học tập nhằm góp phần tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh tại nơi đây.

Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở Bản Tèn
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học tại điểm trường được quan tâm, đầu tư, giúp các em tiếp cận với tiếng Việt dễ dàng hơn

Thầy giáo Lưu Quốc Quân, Điểm trường Bản Tèn, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, Đồng Hỷ: “Qua những câu chuyện để giới thiệu cho các em về một số sản phẩm, một số đồ dùng học tập, như là bức tranh về các thực phẩm… thì các em sẽ nắm bắt được và trao đổi nó ngày một tốt hơn”.

Cô giáo Đinh Thị Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, Đồng Hỷ: “Các thầy cô có những cái hình ảnh cụ thể đưa ra để các em nói tiếng Việt và các em hiểu được nghĩa tiếng Việt và đối với các buổi chiều thì giáo viên là thường phải bổ sung tiếng Việt cho các em Thông qua các hoạt động ôn luyện hoạt động ngoài trời và kể cả những cái tiết thể dục giáo viên cũng phải dậy theo hướng là tăng cường tiếng Việt”.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học tại điểm trường được quan tâm, đầu tư, giúp học sinh tiếp cận với nhiều tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi,… giúp các em tiếp cận với tiếng Việt dễ dàng hơn. Cùng với đó, những nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc tự học tiếng dân tộc, tự làm đồ dùng dạy học, tạo hứng thú cho học sinh. Qua đó, giúp khơi dậy niềm đam mê học tập của các em./.