Dạy tiếng Nga, tiếng Trung: Hãy để nhu cầu xã hội quyết định
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án đưa môn Tiếng Nga và tiếng Trung trở thành ngoại ngữ thứ nhất dạy trong các trường phổ thông bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Là người có hơn 30 năm gắn bó với tiếng Anh, thầy Lê Quốc Hạnh, nguyên trưởng khoa tiếng Anh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo tại Trường ĐH Hà Nội, người đã nhiều năm tham gia ban đề thi tuyển sinh ĐH của Bộ GD&ĐT, tham gia thẩm định sách giáo khoa tiếng Anh không nhất trí với phương án của Bộ.
Lớp học tiếng Anh tại một Trung tâm Anh ngữ Hà Nội |
Thầy Lê Quốc Hạnh cho rằng, chúng ta chỉ nên coi tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc. Việc dạy ngoại ngữ khác chỉ phù hợp với những nơi có điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học các thứ tiếng khác và có nhu cầu tự nguyện của học sinh mới tiến hành dạy các tiếng khác, không riêng gì tiếng Trung hay tiếng Nga.
Ngoài tiếng Anh, các ngoại ngữ khác đều bình đẳng như nhau. Việc dạy ngoại ngữ XYZ nào đó nên để nhu cầu xã hội quyết định, không nên mặc định một cách chủ quan, duy ý chí. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc thật cụ thể.
Cũng đồng quan điểm với thầy Lê Quốc Hạnh, 1 GS người Việt hiện đang giảng dạy tại một trường Đại học ở Vương Quốc Anh cho biết: Chúng ta nên để xã hội quyết định việc học ngoại ngữ theo nhu cầu của chính họ. Và việc học tiếng Anh là phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.
Vị giáo sư này – người đã có nhiều năm tư vấn về giáo dục và từng giúp rất nhiều học sinh ra nước ngoài du học cho biết: “Tôi đã đi dạy khắp nơi, nên cũng hiểu rõ tình hình giáo dục ở Việt Nam. Xã hội bây giờ tính toàn cầu hóa nhanh, giao lưu thông tin văn hóa nhiều nên giáo dục và định hướng mà không thay đổi sẽ sớm bị yếu thế và mất đi tính cạnh tranh hiệu quả cho cá nhân lập nghiệp”.
Theo vị giáo sư này, ở bên Anh quốc, việc họ quyết định học ngôn ngữ nào tùy lựa chọn của từng trường. Nói chung, giáo trình dạy ở Vương quốc Anh rất thoải mái, không gò bó như ở Việt Nam.
“Việc đưa học tiếng Nga, tiếng Trung vào giảng dạy như ngoại ngữ 1, tôi nghĩ là không hợp lý ở nhiều khía cạnh mà ai cũng thấy rõ”, vị này lý giải.
Theo thầy Hạnh, muốn học tiếng Anh tốt, trước hết phải yêu tiếng Anh, duy trì đam mê đó trong suốt quá trình học. |
Liên quan đến tình hình học ngoại ngữ tại Việt Nam mà cụ thể là tiếng Anh, thầy Lê Quốc Hạnh cho rằng: Hiện chất lượng dạy tiếng Anh chưa tốt như mong muốn. Đó là sự thật. Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhận một thực tế là việc dạy và học tiếng Anh hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với vài chục năm trước.
Thầy Lê Quốc Hạnh góp ý, để nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ hẳn giáo trình hiện đang sử dụng trong các trường phổ thông hiện nay. Các giáo trình này đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Chúng được cắt xén, lắp ghép từ các nguồn giáo trình, tài liệu của nước ngoài.
“Tôi đã nhiều năm tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Anh. Tôi thấy thay vì cắt xén, biên soạn giáo trình như ta đang làm là không hay bằng sử dụng hẳn các giáo trình của nước ngoài, đặc biệt là của các nước bản ngữ tiếng Anh (Anh, Hoa Kỳ, Australia).
Một điều nữa cần phải làm là nâng cao chất lượng giáo viên bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho họ nâng cao trình độ. Việc gò ép, bắt buộc giáo viên tiếng Anh các khóa đào tạo rồi buộc họ phải có chứng chỉ các trình độ mới tiếp tục được ký hợp đồng hay được tiếp tục nằm trong biên chế như lâu nay đã gây ra khó khăn cho rất nhiều giáo viên”, thầy Hạnh thẳng thắn nói.
Thầy Hạnh cho biết: Chúng ta cần phải thấu hiểu hoàn cảnh của giáo viên nói chung và giáo viên tiếng Anh nói riêng ở các vùng miền khác nhau để có sự khuyến khích, hỗ trợ họ chứ không phải gò ép họ. Điều tiếp theo cần phải làm là nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông. Đào tạo tiếng Anh và ngoại ngữ, nói chung, không thể tách rời công nghệ thông tin (IT).
Giáo viên và học sinh cần được tiếp cận và sử dụng nguồn tư liệu dồi dào trên mạng, tiếp xúc với tiếng Anh của người bản ngữ trong các clip, giáo trình rất phong phú khi tự học để nâng cao năng lực ngoại ngữ của mình. Một điểm nữa là cần có sự điều chỉnh số lượng học sinh trong các giờ học ngoại ngữ.
“Hiện nay, rất nhiều học sinh trong một lớp tại các trường phổ thông, 40 - 50 học sinh. Số lượng như thế này có thể chấp nhận được đối với các giờ học truyền thụ kiến thức. Ngoại ngữ thì khác, vì ngoài việc cung cấp kiến thức còn phải rèn luyện các kỹ năng. Làm sao có thể rèn luyện hiệu quả cho 40-50 học sinh được?”- thầy Hạnh bày tỏ ý kiến.
Chia sẻ bí quyết để học tốt ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, thầy Hạnh cho rằng: Không có kinh nghiệm chung cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, theo cá nhân của thầy là muốn học tiếng Anh tốt, trước hết phải yêu tiếng Anh, duy trì đam mê đó trong suốt quá trình học. Không riêng học tiếng Anh mà học các môn khác, chúng ta cũng phải đam mê, nếu đam mê bạn sẽ thành công. Ngoài ra, học cần đi đôi với hành. Nghĩa là cần sử dụng những gì mình đã học.
Tìm mọi cơ hội để giao tiếp với bạn bè trong và ngoài giờ học, tận dụng các cơ hội để tiếp xúc với người bản ngữ, chẳng hạn như làm tình nguyện viên cho các sự kiện mà ở đó ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh.
Các bạn cũng thường xuyên nghe đài, xem các chương trình của các nước tiếng Anh trên mạng. Hãy luôn coi việc học là một thú vui hơn là sự bắt buộc. Duy trì sự hứng khởi trong việc học, không bao giờ tạo ra sức ép cho mình trong khi học./.