Đan Mạch sẽ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về chế biến thực phẩm và logistics
Phía Đan Mạch sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm vào thương mại, đào tạo nghề, chế biến thực phẩm, nông nghiệp, y tế và năng lượng theo thỏa thuận Đối tác Toàn diện Việt Nam - Đan Mạch. Phóng viên VOV.VN có cuộc phỏng vấn Tân Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen về vấn đề này.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen (Ảnh: Hồng Quang) |
PV: Xin ông cho biết những kết quả kinh tế nổi bật trong triển khai thực hiện thỏa thuận Đối tác Toàn diện Việt Nam - Đan Mạch 5 năm qua?
Đại sứ Kim Højlund Christensen: Có thể khẳng định rằng quan hệ kinh tế giữa Đan Mạch và Việt Nam đã đạt được bước phát triển rõ rệt sau 5 năm thực hiện thỏa thuận Đối tác Toàn diện mà hai bên đã ký năm 2013.
Đáng chú ý, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Đan Mạch trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất của châu Âu sang thị trường Việt Nam. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu từ Việt Nam sang Đan Mạch cũng tăng vượt bậc, đạt mức xấp xỉ 440 triệu đô la Mỹ (2.8 tỷ DKK) vào năm 2017, tăng 73% so với kim ngạch xuất khẩu năm 2013.
Theo thỏa thuận Đối tác Toàn diện giữa hai nước, phía Đan Mạch đã hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, biến đổi khí hậu, năng lượng, xử lý nước thải. Không riêng gì lĩnh vực sản xuất, Đan Mạch cũng đã hỗ trợ phía Việt Nam phát triển dịch vụ như vận tải và logistics.
PV: Thời gian tới, trọng tâm hợp tác kinh tế theo thỏa thuận Đối tác Toàn diện giữa hai nước là gì, thưa ông?
Đại sứ Kim Højlund Christensen: Nếu nhìn vào cơ cấu xuất khẩu, có thể thấy kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch sang Việt Nam cao hơn so với các nước EU khác. Đây là tín hiệu tốt đối với thị trường Việt Nam, nhất là đối với lĩnh lực chế biến thực phẩm và thiết bị chế biến thực phẩm vốn là thế mạnh của Đan Mạch. Bên cạnh đó, các ngành chế biến sản phẩm từ sữa, pho mát cũng là tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Riêng ngành chế biến thực phẩm, phía Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam kỹ năng nghề, công nghệ chế biến thực phẩm để cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông qua việc hỗ trợ đào tạo các doanh nghiệp và người lao động tiếp cận những kỹ năng mới, công nghệ mới, giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện chuỗi giá trị của ngành chế biến thực phẩm.
Ngoài chế biến thực phẩm, hai bên có thể thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực khác như tăng trưởng xanh, xử lý nước thải và biến rác thải thành điện năng hay phát triển điện gió tại Việt Nam.
PV: Việt Nam đang đứng trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vậy trong vai trò Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, cá nhân ông và phía Đan Mạch sẽ hỗ trợ ra sao để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao?
Đại sứ Kim Højlund Christensen: Đối phó với bẫy thu nhập trung bình, tôi cho rằng Việt Nam cần tập trung cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực của lao động trong nước để từ đó tăng năng suất lao động. Bởi khi năng suất lao động được cải thiện sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, qua đó giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Kinh nghiệm cho thấy, ngoài việc cắt giảm chi phí sản xuất, cần thiết lập chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tay người tiêu dùng, không chỉ người tiêu dùng ở Việt Nam hay Đan Mạch, mà còn vươn ra các nước như Brasil, Nga hay nhiều quốc gia khác.
Đặc biệt trong lĩnh vực logistics, Đan Mạch có nhiều doanh nghiệp logistics và vận tải giàu kinh nghiệm và nhiều trong số họ đang hoạt động tại Việt Nam, điển hình như Tập đoàn logistics Maersk. Các doanh nghiệp logistics của Đan Mạch có trình độ kỹ thuật và quản trị tiến bộ có thể hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động và cắt giảm chi phí.
Ngoài logistics, hai nước có thể hợp tác phát triển trong những lĩnh vực đã đề cập ở trên.
Năm 2004, trong chuyến công tác đầu tiên tới Việt Nam, tôi đã rất ấn tượng với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam sau gần 20 năm đổi mới.
8 năm sau khi trở lại Việt Nam vào năm 2012, tôi thấy sự thay đổi rõ rệt trên đường phố Việt Nam khi số lượng ô tô và xe máy tăng đáng kể. Và Việt nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trong thời gian rất ngắn.
Với tốc độ phát triển của Việt Nam thời gian qua và như hiện nay, tôi cho rằng mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 là khả thi.
PV: Việt Nam là quốc gia thành viên của Sáng kiến Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G) do Chính phủ Đan Mạch khởi xướng năm 2017. Xin ông cho biết những lợi ích mà P4G đem lại cho các quốc gia thành viên như Việt Nam?
Đại sứ Kim Højlund Christensen: P4G huy động sự tham gia từ phía chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và doanh nghiệp, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác công tư thông qua chuyển giao công nghệ, tri thức và bài học kinh nghiệm. P4G kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai các dự án để thực hiện mục tiêu xanh toàn cầu.
P4G hỗ trợ triển khai các dự án tăng trưởng xanh, qua đó giúp các quốc gia thành viên như Việt Nam cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, cắt giảm chi phí sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đã có nhiều hoạt động diễn ra trong khuôn khổ hợp tác P4G. Theo đó, P4G đã lựa chọn 24 trong số 450 sáng kiến dự án tăng trưởng xanh được các quốc gia gửi lên P4G.
Việt Nam có 2 dự án lọt vào nhóm 24 dự án và được P4G hỗ trợ 100.000 USD. Điều này cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của P4G và nỗ lực tham gia Diễn đàn này.
Trong số 24 dự án được lựa chọn, P4G sẽ tiếp tục chọn ra 1 dự án xuất sắc nhất để hỗ trợ 1 triệu USD thực hiện dự án.
Chính phủ Đan Mạch đã viện trợ 5 triệu USD để hỗ trợ triển khai các sáng kiến, dự án P4G. Do đó, P4G là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác Đan Mạch - Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác./.