Đàm phán về Syria tại Geneva đang cố tình bị làm chệch hướng?
Theo Al Jazeera, vụ tấn công liều chết xảy ra tại thành phố Homs - hiện nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ Syria - được cho là mối đe dọa làm chệch hướng các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ và phe đối lập Syria tại Geneva, Thụy Sĩ.
Gần như toàn bộ thành phố Homs đã nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria kể từ tháng 5/2014, khi các phiến quân rút khỏi các khu vực trung tâm theo một thỏa thuận ngừng bắn được Liên Hợp Quốc bảo trợ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các vụ đánh bom vẫn xảy ra tại đây, trong đó có vụ đánh bom kép vào năm ngoái khiến 64 người thiệt mạng.
An ninh được thắt chặt tại Homs sau các vụ tấn công liều chết hôm 25/2. Ảnh: CNN |
Chính phủ Syria tuyên bố đây là vụ tấn công khủng bố
Theo các nguồn tin, tướng Hassan Daabul - một chỉ huy tình báo quân đội và là người thân cận của Tổng thống Bashar al-Assad - là một trong số hàng chục người đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom liều chết nhằm vào 2 căn cứ của lực lượng an ninh tại thành phố Homs.
Hayet Tahrir al-Sham - một tổ chức từng có liên hệ với al-Qaeda - tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công này.
Theo Đài quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, ít nhất 42 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công nói trên.
Trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Geneva vào cuối ngày 25/2, ông Bashar al-Jaafari - trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Syria đã yêu cầu đoàn đại biểu của phe đối lập cần chính thức lên án các vụ tấn công ở thành phố Homs
"Nếu họ không làm như vậy, chính phủ sẽ xem xét đây là hành động đồng lõa với những kẻ khủng bố và chúng tôi sẽ có những biện pháp đối phó phù hợp", ông Jaafari nói.
Ông Jaafari gần như tập trung toàn bộ cuộc họp báo kéo dài 45 phút này để nói về sự cần thiết nhằm chống lại "chủ nghĩa khủng bố".
Phe đối lập bày tỏ nghi ngờ động cơ đằng sau vụ tấn công liều chết
Tại một cuộc họp báo riêng được tổ chức sau đó cũng tại Geneva, lãnh đạo của các nhóm đối lập chính tại Syria cũng lên án các vụ tấn công ở Homs là hành động “khủng bố”, tuy nhiên họ không đổ lỗi cụ thể cho tổ chức nào thực hiện các vụ tấn công này.
“Quan điểm rõ ràng của chúng tôi là lên án chủ nghĩa khủng bố cũng như những kẻ khủng bố”, Nasr al-Hariri - trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập thuộc Uỷ ban Đàm phán cấp cao (HNC) nói.
Tuy nhiên, trả lời một câu hỏi tiếp theo, đại tá Fateh Hassoun thuộc lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA), đã ngụ ý rằng, các vụ tấn công liều chết tại Homs đã được chính phủ Syria "tạo điều kiện".
"Khu vực xảy ra các cuộc tấn công nằm trong sự kiểm soát của lực lượng an ninh và nó vốn rất an toàn. Sẽ không có vụ tấn công nào có thể tiếp cận khu vực này, trừ khi nó được thực hiện bởi các lực lượng an ninh", ông Hassoun nói.
Hassoun - vốn là một sĩ quan trong ngành an ninh của Syria nói: "Tôi biết bằng cách nào chính quyền hiện nay có thể sử dụng sự kiện trên [các vụ tấn công khủng bố] để phục vụ mục đích của họ ... và tôi biết làm thế nào họ có thể xoay xở mọi thứ để phục vụ cho các cuộc đàm phán Geneva".
Issam al-Reis, phát ngôn viên chi nhánh Mặt trận phía Nam của FSA cũng đã lên tiếng cáo buộc chính phủ al-Assad dàn dựng các vụ tấn công hôm 25/2 ở Homs nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán ở Geneva.
"Chúng ta đang nói về quân sự và an ninh. Đó là một khu quân sự bên trong Vùng Xanh ở Homs. Không ai được phép vào khu vực này, thậm chí cả khi nó không đóng”.
"Trong các cuộc đàm phán tại Geneva năm ngoái, một vụ nổ cũng đã xảy ra tại khu vực Sayyida Zeinab do chính phủ kiểm soát", ông Issam al-Reis nói.
Trong một tuyên bố đưa ra tối 25/2, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria, Staffan de Mistura cũng nói rằng, "vụ tấn công khủng bố kinh hoàng" ở Homs là một nỗ lực để làm chệch hướng các cuộc đàm phán hòa bình.
"Việc có những kẻ phá đám và tìm cách gây ảnh hưởng lên các cuộc hòa đàm luôn được dự đoán trước. Lợi ích của các bên tham gia cuộc chiến chống khủng bố và ủng hộ một tiến trình chính trị tại Syria là không được để cho những nỗ lực phá đám này thành công", ông Staffan de Mistura nói./.