Đàm phán liên Triều: Triều Tiên nhìn gần, Hàn Quốc muốn đi xa
Những cột mốc đầu tiên trong đàm phán cấp cao liên Triều
Yonhap ngày 8/1 đưa tin, Hàn Quốc sẽ tìm cách thảo luận các biện pháp giảm căng thẳng quân sự và đoàn tụ các gia đình bị li tán trong các cuộc đàm phán cấp cao với phía Triều Tiên dự kiến sẽ diễn ra trong ngày mai (9/1).
Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên |
Tiết lộ về mục tiêu đàm phán được Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyyon đưa ra một ngày trước khi diễn ra các cuộc đàm phán cấp cao liên Triều lần đầu tiên sau 2 năm gián đoạn. Cuộc đàm phán lần này vốn được cho là để thảo luận về khả năng Triều Tiên cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang cũng như cách thức để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.
“Về cơ bản, hai bên sẽ tập trung vào Thế vận hội khi thảo luận về mối quan hệ liên Triều, Chính phủ sẽ tìm cách để nêu ra vấn đề các gia đình bị li tán do chiến tranh và cách thức để giảm bớt căng thẳng quân sự”, ông Cho nói với các phóng viên.
Ông Cho Myoung Gyyon sẽ dẫn đầu phái đoàn của Chính phủ Hàn Quốc gồm 5 thành viên tham gia cuộc đối thoại cấp cao với Triều Tiên lần đầu tiên kể từ tháng 12/2015 đến nay. Trong khi đó, trưởng phái đoàn đàm phán của Triều Tiên là ông Ri Son-gwon, người đứng đầu cơ quan phụ trách giải quyết các vấn đề liên Triều của Triều Tiên.
Phái đoàn của Hàn Quốc cũng bao gồm cả Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung, người đã có rất nhiều kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán liên Triều. Nhìn vào bản danh sách, có thể thấy, đây là lần đầu tiên cả Bộ trưởng và Thứ trưởng của Hàn Quốc phụ trách giải quyết vấn đề thống nhất đất nước cùng tham gia một phái đoàn đàm phán.
“Sau các cuộc đàm phán cấp cao diễn ra trong tuần này, sẽ cần tiếp tục thảo luận về các cấp độ làm việc, đó là lý do tại sao Chính phủ đã quyết định thành lập một phái đoàn với các thành phần như vậy”, ông Cho cho biết.
Trong khi đó, ông Chang Ung - thành viên của Ủy ban Olympics quốc tế (IOC), người cũng có mặt trong phái đoàn đàm phán của Triều Tiên trả lời phỏng vấn của báo giới tại sân bay ở Bắc Kinh nói rằng, các vận động viên của nước ông “có khả năng tham gia” Thế vận hội mùa Đông PyeongChang diễn ra từ ngày 9-25/2 tại Hàn Quốc.
“Chúng tôi sẽ lắng nghe những gì Triều Tiên nói. Chúng tôi sẽ nỗ lực để Triều Tiên có thể tham gia vào các cuộc tranh tài tại Olympic”, Bộ trưởng Cho nói.
Theo thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào lúc 10h sáng (giờ địa phương) và hai bên sẽ cùng lập kế hoạch chi tiết thông qua các hoạt động tham vấn.
Hàn Quốc muốn đi xa hơn
Trả lời câu hỏi của các phóng viên trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun cho biết: “Ưu tiên của đàm phán cấp cao liên Triều lần này sẽ là thảo luận về khả năng Triều Tiên cử vận động viên tham gia Thế vận hội PyeongChang và Paralympic. Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận sẽ có thể bao gồm những vấn đề hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là những vấn đề mang tính cấp bách như đề xuất tháng 7 của Seoul”.
Ngày 17/7/2016, Hàn Quốc đã đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán quân sự để giảm thiểu căng thẳng ở khu vực biên giới và tổ chức cuộc họp của Hội Chữ thập Đỏ để thảo luận về kế hoạch đoàn tụ các gia đình bị li tán trong chiến tranh Triều tiên. Bình Nhưỡng đã không hồi đáp lời đề nghị này của Seoul.
Khi được hỏi liệu vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể được hai bên đem ra thảo luận hay không, ông Baik Tae-hyun nói tránh: “Hai nước dự định thảo luận về hợp tác và các vấn đề chúng tôi cùng quan tâm”.
Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện đang rất kỳ vọng việc Triều Tiên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán sẽ có thể làm dịu tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Khu vực này vốn đang trong tình trạng căng thẳng cực điểm sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 và tiến hành hàng loạt các vụ thử tên lửa, trong đó có cả tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 – loại tên lửa mới được Bình Nhưỡng mô tả có khả năng tấn công mọi vị trí trên lãnh thổ Mỹ.
Tổng thống Moon Jae-in cũng hy vọng rằng, trong trường hợp mối quan hệ liên Triều được cải thiện, điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và xa hơn là mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên với Mỹ.
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi về viễn cảnh tươi sáng trong tương lai gần cho Bán đảo Triều Tiên khi cho rằng, những động thái gần đây của Bình Nhưỡng có thể chỉ nhằm mục tiêu trước mắt là Olympic, còn thiện chí thực sự của Triều Tiên chỉ có thời gian mới có thể trả lời./.