Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực khi thi tốt nghiệp THPT theo phương án 2+2
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, các thí sinh thi bắt buộc 2 môn là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12

Là thí sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025, em Trần Khánh Dung đã có những phương án lựa chọn để bước vào kỳ thi theo phương án mới của Bộ GD&ĐT. Với một học sinh đang theo học tổ hợp các môn khoa học xã hội, phương án thi có 50% số môn thi được lựa chọn sẽ giúp em yên tâm khi học tập và định hướng nghề trong thời gian tới.

Em Trần Khánh Dung, lớp 11A13, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Đối với cá nhân em, em cảm thấy không có nhiều khó khăn mà có thể nói đây là một phương án tốt nghiệp mang lại nhiều lợi ích hơn cho các bạn học sinh, đúng với định hướng nghề nghiệp mà mình mong muốn thì có môn Toán, môn Văn và thêm vào đó sẽ là môn Anh và thêm một môn mà em yêu thích nữa là môn Lịch Sử".

Theo phương án được công bố, trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, các thí sinh thi bắt buộc 2 môn là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT. Với phương án này, theo nhận định của nhiều trường học, các học sinh sẽ giảm số lượng các môn học phải ôn tập. Trong khi đó, cơ hội đỗ tốt nghiệp sẽ cao hơn, việc định hướng chọn trường Đại học hoặc chọn nghề cũng sẽ dễ dàng hơn.

Em Vương Hà Tâm, Lớp 11A14, Trường THPT Đồng Hỷ có đôi chút lo lắng: "Cảm xúc đầu tiên của em cũng khá là bất ngờ và vui bởi vì các môn thi tốt nghiệp của bọn em được giảm xuống so với chương trình cũ là chỉ còn hai môn. Ngoài ra thì em cũng có chút lo lắng bởi vì ngoài môn Toán và môn Văn ra thì em sẽ chọn hai môn tự chọn của mình, nhiều bạn khác cũng chọn hai môn giống mình thì khả năng cạnh tranh cũng có thể sẽ cao".

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Hỷ cho biết: "Nhà trường cũng đã tiến hành xây dựng phương án để tuyên truyền về kỳ thi tốt nghiệp 2025 tới toàn thể học sinh trong các buổi sinh hoạt chung, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, các giờ sinh hoạt lớp và các giờ bộ môn. Sau đó cũng sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch đảm bảo để cho học sinh có được định hướng và các em sẽ tổ chức học tập và ôn tập theo các mục tiêu mà các em mong muốn".

Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực khi thi tốt nghiệp THPT theo phương án 2+2

Việc áp dụng phương án thi tốt nghiệp mới từ năm 2025 được kỳ vọng giúp giảm áp lực cho học sinh cũng như phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT.

Thầy giáo Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho biết: "Ngay từ đầu năm học này nhà trường cũng đã định hướng cho các em học sinh ở lớp 10, lớp 11, thứ hai là trường tổ chức một nhóm để làm công tác tuyên truyền tới các em học sinh ở các trường trung học cơ sở để các em biết được là khi vào học trường chuyên thì ngoài những môn chuyên thì các em cũng phải lựa chọn phù hợp với khả năng của mình. Chúng tôi đang hy vọng là các trường đại học cũng sẽ có những phương án tuyển sinh kịp thời để cho các trường trung học phổ thông có định hướng hướng nghiệp cho các em học sinh".

Từ nay đến khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 còn hơn 1 năm nữa. Ngay từ bây giờ, các trường THPT và các trường Đại học, Cao đẳng cũng cần có những tư vấn, định hướng để các học sinh chuẩn bị cho kỳ thi theo kế hoạch tuyển sinh, xét tuyển của các trường; cũng như cần phải biết phương thức xét tuyển đại học sẽ thay đổi thế nào, định dạng đề thi với những môn đầu tiên được đưa vào như tin học, công nghệ ra sao? Từ đó mới có thể định hướng chọn hay không chọn các môn thi mới, cũng như sát hơn theo sở trường, định hướng nghề nghiệp của từng học sinh./.