Đại sứ Daniel Kritenbrink: Thủy sản Việt Nam vẫn “rộng cửa” vào Mỹ
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016) với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, theo quyết định này của Mỹ, có 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 - 7,74 USD/kg.
Mỹ áp thuế cao, cá tra Việt gặp khó. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thuộc nhóm này, mức thuế quyết định cuối cùng của Mỹ cao gấp 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9/2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó.
Chưa dừng lại ở đó, mức thuế chống bán phá giá còn được Mỹ áp cao ngất ngưởng đối với hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam lên tới 7,74 USD/kg. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến giờ, chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam.
Mức thuế 7,74 USD/kg cao 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 trước đó mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.
Chia sẻ với phóng viên VOV về vấn đề này, ông Daniel Kritenbrink - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết, các quốc gia luôn cần môi trường cạnh tranh lành mạnh. Gần đây, hải sản Việt Nam vào Mỹ gặp thuế cao là quyết định của các cơ quan chức năng sau một quy trình giám sát, đánh giá thường niên.
Ông Daniel Kritenbrink - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam |
Đó một phần của việc Chính phủ Mỹ tiến hành khảo sát, đánh giá nhiều thị trường và cách hoạt động hiện nay của họ. Có nhiều quyết định được đưa ra để đánh giá bên nào sẽ chịu trách nhiệm trong việc xuất khẩu fillet cá tra từ Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink cho hay.
Tuy nhiên, Đại sứ Daniel Kritenbrink khẳng định, Mỹ vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất cho cá basa Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam tiếp tục tăng nhanh và thị trường cho cá basa và thủy sản Việt Nam vẫn đang rộng mở.
Đại sứ Daniel Kritenbrink cũng bày tỏ lạc quan về mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời cho rằng đây một phần quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.
Thương mại lưu chuyển tiếp tục tăng, đến 52 tỉ USD, là một con số tuyệt vời, ông Daniel Kritenbrink đánh giá. “Mỹ hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và cũng là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất, với sự tăng trưởng thương mại song phương và làn sóng đầu tư đến từ cả hai phía”, Đại sứ Daniel Kritenbrink chia sẻ.
Đại sứ Daniel Kritenbrink mong muốn tiếp tục thấy Chính phủ Việt Nam thúc đẩy đầu tư ổn định, minh bạch và mang tính dự báo cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ.
“Thông điệp của tôi dành cho những người bạn Mỹ tại Việt Nam là hãy nhờ những người bạn từ Việt Nam, trong đó bao gồm Chính phủ, để củng cố các bước đi nhằm bảo đảm một sân chơi bằng phẳng để tất cả các doanh nghiệp Việt hay nước ngoài đều được đối xử bình đẳng, công bằng”, Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh./.