Đã có một nền kịch nói Thái Nguyên như thế
Đạo diễn Trịnh Tích là một trong những nghệ sĩ đầu tiên của đoàn kịch nói Bắc Thái. |
Trong Cuốn lưu bút đặc biệt của Ủy ban kháng chiến hành chính Thị xã Thái Nguyên những năm đầu kháng chiến chống Pháp, có lưu bút tích của đạo diễn kịch Trần Hoạt, tháng 4/1948 đến thị xã Thái Nguyên đã vô cùng hào hứng với bầu không khí sinh hoạt nghệ thuật sôi nổi, ông viết: “…Cái thú nhất là lúc nào cũng được thanh niên hỏi han về kịch, xin kịch, chép kịch, tất cả mọi chuyện đều kịch cả…”. Cho thấy, người Thái Nguyên ngày đó đã dành tình cảm cho kịch nói như thế nào. Nhưng mãi đến những năm đầu của thập niên 1970, Thái Nguyên mới chính thức đặt những viên gạch đầu tiên cho nền kịch nói tỉnh nhà.
Đạo diễn Trịnh Tích là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên ấy. Dẫu không còn lưu giữ được những kỷ vật nhưng ở cái tuổi ngoài 80 ông vẫn nhớ như in những năm tháng đó.
Đạo diễn Trịnh Tích kể lại: "Thời đó gọi là tổ kịch, chúng tôi tính toán, tìm mọi cách để dựng được vở kịch, rồi chúng tôi cũng dựng xong vở kịch đó trong thời gian gần một tháng, khi đó khán giả chen chúc nhau để mua".
Từ tổ kịch đó, ngày 18/10/1978 Đoàn Kịch nói tỉnh Thái Nguyên thành lập. 28 năm hình thành và phát triển Đoàn Kịch nói Bắc Thái đã dàn dựng thành công 45 vở diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ cả nước đặc biệt là dọc tuyến biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn. Với những cống hiến và thành tích đạt được Đoàn kịch Bắc Thái đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, ghi dấu ấn và để lại tình cảm trong lòng công chúng yêu kịch nói trong và ngoài tỉnh.
Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đoàn kịch nói Bắc Thái. |
NSƯT Lê Chức chia sẻ: "Đoàn kịch nói Bắc Thái đã có một lực lượng nghệ sĩ rất chuyên nghiệp và rất yêu công việc, chúng tôi nhận thức rất rõ trách nhiệm nghệ sĩ của trước cuộc sống".
Ngày nay, kịch nói vẫn là một trong số hình thức nghệ thuật trình diễn cuốn hút công chúng vì nó có hình thái gần với đời thực. Người Thái Nguyên vẫn mong chờ, đến rạp để xem kịch. Và vẫn có những con người trân trọng, tâm huyết thắp sáng lên sân khấu kịch Thái Nguyên như thủa nào.
Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi là các nhà văn tham gia viết kịch bản, mời các đạo diễn tổ chức dàn dựng và các nghệ sĩ diễn viên của nền kịch nói Thái Nguyên trước đây trở lại sàn diễn, tới đây trong chương trình nghệ thuật Hoa núi hàng năm cùng với các tiết mục ca múa nhạc sẽ có một vở kịch ngắn để cống hiến cho khán giả".
Kịch nói Bắc Thái - Thái Nguyên sinh thời vinh quang cũng nhiều, xong đau thương cũng không ít. Thế hệ nghệ sĩ hôm nay đang kể tiếp câu chuyện của sân khấu kịch nói, song khó khăn và nhọc nhằn hơn khi sân khấu đứng trước quá nhiều thách thức. Nhưng vẫn đó tình yêu nghề, ngọn lửa nghề vẫn âm ỉ cháy trong các nghệ sĩ./.