Cục CSGT: Chưa có cơ sở nói “bảo kê”, “tiêu cực” vụ cây cổ thụ “khủng”
Thủ tướng Chính phủ có Công văn chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, làm rõ có hay không hành vi bao che cho phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ như phản ánh của báo chí và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng xe.
Cây cổ thụ "khủng" bị tam giữ. |
Ngay sau đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông (C67) và các đơn vị chức năng cử 2 Tổ công tác trực tiếp kiểm tra, xác minh tại các đơn vị, địa phương có liên quan.
Ngày 13/4, Cục Cảnh sát giao thông (C67) căn cứ trên cơ sở báo cáo bằng văn của Phòng Cảnh sát giao thông (PC67) Công an 19 đơn vị, địa phương trên tuyến đường lưu thông phương tiện vận chuyển cây quá khổ, quá tải và kết quả kiểm tra, xác minh trực tiếp của C67 đã có báo cáo Bộ Công an, báo cáo Chính phủ trong đó khẳng định: Chưa đủ cơ sở để khẳng định có việc “bảo kê”, “tiêu cực” của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến đối với xe ô tô BKS 73C-034.64, rơmooc 73R-003.38 vận chuyển cây quá khổ, quá tải như phản ánh của báo chí. Các cây vận chuyển đều có nguồn gốc, xuất xứ; không phải cây rừng.
Trong tháng 3, lực lượng CSGT đã tiến hành xử phạt lái xe và chủ xe đối với 5 phương tiện chở cây quá khổ, quá tải của Công ty TNHH cơ khí Hải Sơn (4 trường hợp xử phạt trực tiếp trên đường, 1 trường hợp xử phạt thông qua hình ảnh thu được từ hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ), nộp kho bạc Nhà nước 97 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX của lái xe vi phạm, thông báo đến các Sở Giao thông vận tải và đã yêu cầu chủ xe khắc phục hậu quả bằng cách hạ tải và bố trí phương tiện khác để vận chuyển số cây này theo đúng quy định.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế bàn giao 2 cây đa sộp có hồ sơ rõ ràng cho chủ lâm sản. |
Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc như báo chí phản ánh có nhiều nguyên nhân, trong đó ngoài nguyên nhân chủ xe, lái xe, chủ hàng vì lợi ích kinh tế sẵn sàng tìm mọi thủ đoạn để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng thi hành công vụ, mặc dù chủ xe, lái xe đã liên tiếp bị phát hiện vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn (không di chuyển phương tiện vào ban ngày, cho xe đi trước dò đường “CSGT”, trao đổi thông tin hoạt động của CSGT để đối phó, thay đổi lịch trình hoạt động khi phát hiện có lực lượng chức năng…).
Trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị CSGT thiếu kiểm tra, đôn đốc CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ trên tuyến.
Công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin giữa các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên tuyến còn hạn chế.
Thời điểm thực hiện cao điểm xong, việc phân công, bố trí lực lượng theo ca, không bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát thời gian 24/24h trong ngày nên có lúc không có lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường, nhất là vào ban đêm, chưa quán xuyến hết địa bàn dẫn đến bỏ lọt vi phạm. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải chưa chặt chẽ, việc phát hiện, xử lý đối với các phương tiện vi phạm về tải trọng, về quy định xếp hàng lên xe ngay tại gốc, đầu nguồn hàng chưa được thực hiện nghiêm.
Để chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, thực hiện tốt vai trò nòng cốt bảo đảm TTATGT trong lực lượng, ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Công văn số 795/BCA-V11 yêu cầu các đơn vị, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm tiêu cực trong Công an nhân dân, thực hiện nghiêm quy trình công tác, lễ tiết tác phong.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm phương châm “chủ động, không có vùng cấm, không ngoại lệ”, chú trọng các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm và xử lý nghiêm theo quy định./.