Cú sốc mới ở vùng Vịnh khi Saudi Arabia cáo buộc Iran âm mưu khủng bố
Đây không chỉ là một cú sốc nữa đánh vào mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa hai quốc gia có ảnh hưởng tại khu vực này, mà còn có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh.
Tên lửa Yaser của Iran trưng bày trước bức hình lãnh tụ tinh thần tối cao Khamenei. Ảnh: AP. |
Những cáo buộc của Saudi Arabia đưa ra giữa lúc căng thẳng tăng cao với Iran, vốn lâu nay vẫn được xem là một “đối thủ không đội trời chung” của nước này tại khu vực.
Trong thông cáo phát đi ngày 19/6, Bộ Thông tin Saudi Arabia cho biết, hải quân nước này đã bắt giữ và thẩm vấn 3 thành viên của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran trên một chiếc tàu chở đầy thuốc nổ và dường như đang âm mưu tiến hành một vụ tấn công khủng bố trong lãnh hải Saudi Arabia.
Iran đã ngay lập tức bác bỏ những tuyên bố của Saudi Arabia về việc bắt giữ 3 thành viên của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, đồng thời cáo buộc Hải quân Saudi Arabia sát hại một ngư dân nước này.
Theo Bộ Nội vụ Iran, danh tính 3 đối tượng bị bắt đã được xác định và tất cả đều là ngư dân đến từ thành phố cảng miền Nam Bouchehr. Khi bị lực lượng bảo vệ bờ biển Saudi Arabia bắt giữ, những người này đang thực hiện hoạt động đánh bắt cá và không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ là những quân nhân.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng lại vùng Vịnh, đặc biệt giữa hai quốc gia có ảnh hưởng là Iran, do người Hồi giáo dòng Shiite lãnh đạo và Saudi Arabia do người Sunni lãnh đạo. Hai nước này cũng không còn duy trì các mối quan hệ ngoại giao từ đầu năm ngoái.
Lực lượng vệ binh cách mạng Iran nhiều lần cáo buộc Saudi Arabia "can dự" vào vụ tấn công khủng bố hôm 7/6 vừa qua ở thủ đô Tehran, làm 17 người chết. Đây cũng là vụ tấn công đầu tiên mà nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm tại nước này.
Những vụ tấn công này nhằm vào hai vị trí có biểu tượng cao tại Iran, trong đó có lăng Khomeinay, người sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và Quốc hội nước này. Những căng thẳng này đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Trong một phát biểu mới đây, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cùng thừa nhận nguy cơ cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn.
“Dù lạc quan, song tất cả đều hiểu rằng, chiều sâu của cuộc khủng hoảng hiện nay tại vùng Vịnh sẽ đáng lo ngại hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đây”, bà Mogherini nhận định. “Đây là một thực tế không thể phủ nhận, dù hiện nay tất cả các tác nhân trong khu vực đều đang nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp cho những căng thẳng này.”
Trên thực tế, vụ va chạm mới này đã “đổ thêm dầu” vào cuộc khủng hoảng xung đột kéo dài hơn 3 thập kỷ qua giữa Saudi Arabia và Iran.
Nếu nhìn lại lịch sử, cuộc xung đột hiện nay giữa Iran và Saudi Arabia bắt đầu từ cuộc cách mạng Hồi giáo dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền thân Mỹ tại Iran năm 1979 và sự lên ngôi của chính quyền người Hồi giáo theo dòng Shiite.
Nhưng nếu xét về nguồn gốc sâu xa, hai cường quốc tại Trung Đông này luôn ở thế đối đầu trong cuộc chạy đua nhằm giành quyền bá chủ khu vực và mỗi bên đều coi mình là “người bảo vệ của hai dòng Hồi giáo lớn tại khu vực” là Sunni và Shiite.
Cùng với đó là các nhân tố bên ngoài cũng tác động không nhỏ tới mối quan hệ “cơm không lành canh chẳng ngọt" giữa hai nước, mà điển hình là vai trò của Mỹ, cuộc chiến mượn danh của Saudi Arabia và Iran tại Yemen, cuộc khủng hoảng Syria, Iraq hay cuộc cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ.
Dù bất đồng giữa hai nước luôn hiện hữu và trong quá khứ cũng đã nhiều lần bùng phát rồi lắng dịu, song trong bối cảnh khu vực và quốc tế như hiện nay, vụ việc mới này, cùng với những mâu thuẫn nội tại nếu không được giải quyết êm thấm có nguy cơ sẽ trở thành ngòi nổ mới cho cuộc xung đột tại khu vực.
Và cả Iran và Saudi Arabia đều hiểu rằng, nếu kịch bản này xảy ra sẽ phong ba bão táp không chỉ cho Iran và Saudi Arabia mà các nước láng giềng cũng như nền kinh tế toàn cầu./.