cong tac can bo khong cong khai minh bach de dan den cuc bo loi ich nhom chay chot
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tinh giản hơn 50.000 biên chế

Trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của ngành nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ: Năm 2019, với quyết tâm chính trị cao, Bộ Nội vụ đã đề ra phương châm hành động là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin”. Toàn ngành đã chủ động, tập trung, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hiệu quả vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...

Năm 2019, Bộ Nội vụ được cấp có thẩm quyền giao chủ trì, xây dựng 5 dự án Luật, trong đó đã trình Quốc hội thông qua 2 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8. Hiện nay, Bộ đang tập trung xây dựng dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

Về tổ chức bộ máy và biên chế, hiện nay, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện được giao năm 2015. Năm 2019, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước (khối Chính phủ quản lý) so với năm 2015 tại 63/63 tỉnh, thành phố giảm 4,26%, tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ giảm 11,85%. Từ năm 2015 đến ngày 20/12/2019, cả nước đã thực hiện tinh giản biên chế 50.547 người.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, các địa phương đã tích cực, chủ động rà soát, sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập; tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đúng tiến độ. Bên cạnh đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng được bảo đảm, tạo dư luận tích cực trong xã hội, củng cố niềm tin của các tổ chức tôn giáo đối với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của Nhà nước…

Rà soát chính sách bất cập trong công tác tuyển dụng

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao các kết quả, thành tích khá toàn diện mà ngành nội vụ đã đạt được trong năm 2019.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ, việc quản lý lĩnh vực tổ chức nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, của đất nước và của Chính phủ. Việc đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa thực chất, còn hình thức và chưa là cơ sở chính xác để thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ. Công tác cải cách hành chính mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn chậm…

Một số nhiệm vụ cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện các văn bản của Chính phủ còn chậm, đạo đức công vụ, nghề nghiệp và văn hóa công vụ còn những biểu hiện vi phạm, chưa được chấn chỉnh kịp thời. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội và các tổ chức phi chính phủ, thi đua khen thưởng, văn thư - lưu trữ vẫn còn những điểm hạn chế.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. “Nhiệm vụ của ngành nội vụ là hết sức quan trọng và rất nặng nề. Điều này đòi hỏi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, ngành nội vụ cần nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong triển khai nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ Đại hội Đảng các cấp, các sự kiện quan trọng của đất nước”.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, ngành nội vụ tập trung công tác xây dựng thể chế; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy định pháp luật để thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, công chức, công vụ… Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, chú trọng các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật; rà soát những chính sách bất cập trong công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực hình thức trong quy định điều kiện về văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

“Xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm cụ thể, lấy kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao là cơ sở quan trọng để đánh giá, phân loại. Việc xác định biên chế phải bảo đảm khoa học, sát thực tế, tránh việc áp đặt bình quân giữa các bộ, ngành, địa phương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

cong tac can bo khong cong khai minh bach de dan den cuc bo loi ich nhom chay chot
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc, đẩy mạnh triển khai thực hiện để hoàn thành mục tiêu Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Bộ Nội vụ cần tích cực phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo bước đột phá giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ, ngành Nội vụ tiếp tục rà soát, tiến hành đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy; nghiên cứu, đề xuất mô hình nhất thể hóa các chức danh đồng cấp, bảo đảm cơ cấu cán bộ, công chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế.

Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, ngành nội vụ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết lương giáo, thực hiện nhất quán, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để hoạt động mê tín, dị đoan, trục lợi, kích động, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá nhà nước.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị ngành đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tại Bộ Nội vụ, gắn chặt với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm đoàn kết nội bộ và đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ.

Công tác cán bộ, công chức phải khách quan, công bằng, đúng tiêu chuẩn

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục trong công tác của ngành nội vụ.

Theo đó, nếu chúng ta làm tốt công tác cán bộ, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, cải cách tiền lương gắn với tinh giản biên chế sẽ tạo ra chuyển biến lớn trong công tác của ngành. Đặc biệt, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ phải thực hiện nghiêm minh, công tâm, khách quan, đúng tiêu chuẩn để cán bộ, công chức, viên chức có cơ hội công bằng trong cống hiến cũng như để được xem xét bổ nhiệm là điều hết sức quan trọng.

“Nếu làm không công khai, minh bạch sẽ dẫn đến cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, rồi các loại “chạy” thì sẽ làm thui chột cán bộ, để tiêu cực phát triển thì cán bộ tốt cũng thành xấu, số cán bộ không tốt lại có cơ hội ngoi lên”, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.

Do đó, cần phải chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của cán bộ công chức, viên chức hiện nay.

Đồng thời, luôn xác định rõ cải cách hành chính (CCHC) phải là một trong 3 khâu đột phá, nên cần tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm về CCHC, qua đó phát hiện nơi nào, cán bộ nào làm việc trì trệ, qua loa, hình thức mà không đi vào thực chất. Như trong CCHC có những nơi chỉ cắt bỏ những thủ tục hành chính “râu ria” mà không cắt bỏ thủ tục hành chính lớn có ý nghĩa thực chất, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý, trước đây, ở một số địa phương có ban hành chính sách “thu hút nhân tài” khác nhau. Qua quá trình làm việc, cần có giải pháp để sàng lọc, đánh giá việc thu hút người có tài năng vào làm việc khu vực công, đồng thời cũng xem xét lại những người dôi dư hiện nay thế nào, cách giải quyết ra sao. Trong quá trình làm việc của công chức cũng phải có thử thách, sàng lọc đối với những người thuộc diện “thu hút nhân tài” trước đây.

“Chúng ta thực hiện chính sách đối với tôn giáo, dân tộc càng tốt thì càng tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước, nếu ai đó có cái nhìn thiên kiến, phiến diện với tôn giáo, tín ngưỡng đều không tốt”, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu “người làm công tác nội vụ, tôn giáo, khen thưởng, lưu trữ… ngoài kiến thức chung phải có, cần kiến thức chuyên môn sâu và trải nghiệm thực tế công tác để xử lý và giải quyết công việc hiệu quả. Điều này cũng là nhiệm vụ đặt ra đối với việc đào tạo, bồi dưỡng sinh viên và cán bộ công chức, viên chức của Học viện Hành chính quốc gia và Đại học Nội vụ hiện nay”./.