Kế hoạch đưa con người lên định cư trên Mặt Trăng được Bernard Foing, đại sứ dự án "Ngôi làng Mặt Trăng" của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) trình bày tại Đại hội Khoa học Hành tinh Châu Âu diễn ra ở Riga, Latvia tuần trước, theo AFP.
Theo kế hoạch này, nhóm 6–10 người tiên phong gồm các nhà khoa học, kỹ thuật viên và kỹ sư sẽ đặt chân lên Mặt Trăng năm 2030. Đến năm 2040, số lượng người định cư ở làng Mặt Trăng có thể lên đến 100. Họ nấu chảy băng lấy nước, xây nhà và chế tạo vật dụng nhờ công nghệ in 3D, ăn rau quả trồng trên đất Mặt Trăng và thi đấu những môn thể thao "bay" phù hợp với môi trường có lực hấp dẫn yếu.
Năm 2050, khoảng 1.000 người sẽ sinh sống trên Mặt Trăng. Sau đó, họ có thể lập gia đình và sinh con. "Chỉ vài thập kỷ nữa thôi, có thể những em bé đầu tiên sẽ chào đời trên Mặt Trăng", Foing hào hứng.
Jan Woerner, giám đốc ESA, đã đề xuất thay thế Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bằng dự án đưa con người lên định cư trên Mặt Trăng khi trạm này ngừng hoạt động năm 2024. Các nhà khoa học và công ty khai thác mỏ rất hứng thú với dự án, nhưng các chính trị gia thì chưa mấy quan tâm.
Những ngôi nhà trên Mặt Trăng có thể xuất hiện trong tương lai. Ảnh: AFP. |
Hoạt động sản xuất công nghiệp hoàn toàn có thể diễn ra trên Mặt Trăng, theo nhà vật lý Vidvuds Beldavs tại Đại học Latvia. Bazan là một trong số những tài nguyên tiềm năng ở nơi này. Đây là loại đá núi lửa có thể dùng làm vật liệu phóng vệ tinh từ Mặt Trăng với chi phí nhỏ hơn nhiều khi phóng từ Trái Đất, Beldavs cho biết.
"Phóng vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất từ Mặt Trăng sẽ rẻ hơn 40 lần, vì Trái Đất có trọng lực rất lớn", Foing giải thích.
Heli 3, một chất đồng vị hiếm ở Trái Đất nhưng lại phổ biến trên Mặt Trăng, về lý thuyết có thể dùng để tạo ra năng lượng hạt nhân sạch và an toàn hơn.
Một tài nguyên quan trọng khác là nước trong băng ở các cực của Mặt Trăng. Nước có thể tách thành hydro và oxy, tạo ra hỗn hợp khí dễ nổ, cung cấp nhiên liệu cho tên lửa.
Nhiều chuyên gia cho rằng mấu chốt nằm ở sự hợp tác giữa các cơ quan vũ trụ quốc gia với những công ty tư nhân có thể kiếm lợi nhờ bán tài nguyên trên Mặt Trăng, ví dụ như nhiên liệu tên lửa.
Công cuộc khám phá Mặt Trăng bằng máy móc thiết bị đang được tiến hành. Một số xe tự hành và tàu thám hiểm dự kiến đáp xuống Mặt Trăng trong vài năm tới.
Con người có thể định cư trên Mặt Trăng trong vài thập kỷ tới. Ảnh: Flickr |
Cuộc sống trên Mặt Trăng sẽ rất khó khăn và không phải ai cũng chịu được, nhà vật lý Christiane Heinicke cảnh báo. Bà từng sống một năm trong môi trường mô phỏng sao Hỏa ở Hawaii.
"Hoàn toàn không có bất cứ cây cối nào. Tất cả những gì nhìn thấy chỉ là đá, bụi và một bầu trời hoàn toàn khác trên Trái Đất. Phải ở trong nhà hoặc mặc bộ đồ vũ trụ nghĩa là bạn không bao giờ thực sự cảm nhận được hành tinh mình đang sống. Không thể cảm nhận gió hay ánh nắng Mặt Trời", bà nói.
Tuy nhiên, Foing không hề nản lòng. Ông hy vọng mình có thể ghé thăm Mặt Trăng năm 2040, còn việc đưa cả gia đình lên thì phụ thuộc vào chi phí. "Giá vé là khoảng 120 triệu USD. Đó là mức hiện tại, nhưng 20 năm tới chi phí có thể sẽ chỉ bằng 1/100", ông dự đoán.
Điều này phụ thuộc nhiều vào các công ty khám phá Mặt Trăng cho mục đích thương mại với việc phát triển công nghệ mới, đẩy mạnh nhu cầu về tài nguyên hoặc du lịch Mặt Trăng và hạ giá vé.
Công ty Blue Origin của chủ tịch tập đoàn Amazon, Jeff Bezos, dự định vận chuyển 5 tấn hàng hóa lên Mặt Trăng. Hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng hy vọng sẽ đưa người lên du lịch Mặt Trăng trong vài năm tới.
Thu Thảo