“Cơ quan bé nhưng có quyền “thổi còi” cả Bộ trưởng, Thủ tướng”
Sáng nay (14/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi). Nhiều ý kiến đặt vấn đề Cơ quan quản lý cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương hay cần phải trực thuộc Chính phủ?
“Ông bé xử lý ông to thì khó”
Dự thảo luật đã mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng, theo đó, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh và hiệp hội ngành nghề, thì “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”, trong đó bao gồm cả cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính.
Một trong những lý do mở rộng đối tượng, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước ở một số địa phương đã banh hành các văn bản có tác động hạn chế cạnh tranh. Ví dụ như yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân trong tỉnh chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của DN được chỉ định; hoặc phân biệt đối xử, tạo lợi thế cạnh tranh cho một số DN.
Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định: "Ông bé xử lý ông to là rất khó" (Ảnh: Quốc hội) |
Các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ đều đồng tình với quy định này và đánh giá đây là điểm mới, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là việc mở rộng đối tượng đồng nghĩa với việc Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia khi được lập có thể xử lý các Bộ trưởng, Thủ tướng, thậm chí cả Chính phủ nếu ban hành quyết định hành chính sai.
Bày tỏ băn khoăn, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề: “Luật này đang thiết kế kiểu dùng ông bé xử lý ông to. Cơ quan này nếu thuộc Bộ Công thương thì to lắm cũng là Tổng cục, giao quyền lớn như vậy có làm được không?”
Với điều kiện hiện tại của nước ta, cơ quan này ở trong Bộ Công Thương thì Luật phải thiết kế cơ chế xử lý tiếp nối như khi phát hiện ai ban hành quy định hạn chế cạnh tranh thì cơ quan này giúp Bộ trưởng xử lý, hoặc giúp Bộ trưởng tham mưu Thủ tướng và Chính phủ xử lý.
“Như thế thì mới được việc chứ làm sao ông bé xử lý được ông to!” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật bày tỏ và cho rằng, quy định tiếp nối xử lý thì doanh nghiệp và người dân mới tin.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo kinh nghiệm các nước thì cho dù cơ quan quản lý cạnh tranh có nằm trong nhánh nào của cơ quan Nhà nước hay trực thuộc Bộ chuyên môn của Chính thì cũng phải có vị trí pháp lý và khung chính sách để đảm bảo khách quan, công bằng trong điều hành và thực hiện chức năng cơ quan quả lý về cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Các quy định đảm bảo cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập tương đối (Ảnh: Quốc hội) |
“Qua nghiên cứu, đa phần cơ quan quản lý cạnh tranh của các nước thuộc Chính phủ hoặc cơ quan cơ quan Chính phủ, số ít thuộc Quốc hội và cơ quan khác” – ông Trần Tuấn Anh dẫn chứng và cho biết, luật này cũng xây dựng cơ chế và nguyên tắc cơ bản để đảm bảo mức độ độc lập tương đối của cơ quan này.
“Tinh thần cơ quan này vẫn nằm trong Bộ”
Thắc mắc dự thảo chưa làm rõ "Cơ quan quản lý cạnh tranh Quốc gia” là ai nhưng lại quy định khá nhiều cơ quan này được làm gì, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm cần đảm bảo tính độc lập và “nếu có thể trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thư trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Bộ đã có văn bản đóng góp ý kiến; đặc biệt phiên họp của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật trong tháng 8 vừa rồi đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ và khẳng định không lập cơ quan này thuộc Chính phủ. Các quy định của Bộ Chính trị hiện quy định chấm dứt việc quy định tổ chức bộ máy, biên chế trong văn bản quy phạm pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Trong trường hợp khác phải xin ý kiến Bộ Chính trị.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Muốn có cơ quan độc lập phải báo cáo Bộ Chính trị |
“Theo ý kiến đại biểu cho rằng cần có cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia độc lập, đủ sức, đủ nhiệm vụ quyền hạn theo yêu cầu thì cần đề án riêng báo cáo Bộ Chính trị” – Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, đồng thời góp ý rằng, nếu luật quy định cơ quan này trực thuộc Chính phủ là vướng so với Luật Tổ chức Chính phủ.
Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim ngân đánh giá, việc sửa luật là cần thiết và đồng ý mở rộng phạm vi để hoàn thiện thể chế cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch. Tuy nhiên, liên quan mô hình tổ chức bộ máy phải quát triệt Nghị quyết của Bộ chính trị.
“Cá nhân cho rằng việc sắp xếp lại tránh đầu mối trực thuộc Chính phủ vì sẽ dẫn đến phát sinh đủ thứ” - bà Nguyễn Thị Kim nêu ý kiến và đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề này.
Cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận: “Việc thành lập cơ quan quản lý quốc gia không làm tăng đầu mối, cơ quan này độc lập tương đối nhưng tinh thần nằm trong Bộ. Cơ quan này thậm chí “thổi còi” cả những văn bản của Bộ mà ban hành sai. Quan trọng là quyền hạn, bé nhưng chấp hành pháp luật thì dù là to mà sai thì đương nhiên bị xử lý”./.