Cơ quan an ninh Anh đã nghĩ đến kịch bản London bị tấn công từ lâu?
Mục đích của chủ nghĩa khủng bố không chỉ là gây ra thương vong và thiệt hại mà còn nhằm tạo ra sự hoảng loạn. Chính cảm giác mất trật tự an toàn đó đang làm các thành phố, các quốc gia cảm thấy bị lung lay đến tận gốc rễ.
Và kẻ tấn công nhằm vào tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 22/3 vừa qua đã làm được điều đó bằng cách thức thô sơ nhất có thể.
Cảnh sát Anh phản ứng nhanh sau vụ tấn công ngoài tòa nhà Quốc hội hôm 22/3. Ảnh: Reuters |
Cách thức tấn công quen thuộc
Vụ tấn công ngày 22/3 khởi đầu bằng việc thủ phạm lái xe đâm vào hàng loạt người trên cầu Westminster. Đây là một phương pháp tấn công đã được các nhóm khủng bố như mạng lưới al-Qaeda ở Bán đảo Arab (AQAP) và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khuyến khích sử dụng.
Phương pháp tấn công này đã được truyền bá trên mạng Internet thông qua các tạp chí viết bằng tiếng Anh của cả 2 tổ chức này nên sẽ không khó để nhận ra khi thủ phạm vụ tấn công ở London cũng đã tiếp nhận thông tin đó.
Vì sao thủ phạm chọn phương pháp này? Đơn giản là vì nó "đơn giản"!
Bên cạnh đó, khó có thể phát hiện ra phương pháp này cho tới khi thủ phạm thực sự hành động. Số liệu đã chứng mình, trong số 13 âm mưu tấn công bị ngăn chặn ở Anh từ năm 2013, khoảng một nửa số đó có ít nhất một trong những yếu tố như: sử dụng xe, sử dụng vũ khí sắc nhọn hay thủ phạm liều mình tấn công ngay cả khi chỉ đi bộ.
Công thức khủng bố mới: đơn giản đến bất ngờ nhưng gây hoang mang
Đã qua rồi giai đoạn mà khủng bố đồng nghĩa với những vụ đánh bom lớn, phức tạp được lên kế hoạch nhiều tháng trời. Những cơ quan an ninh của phương Tây như Cơ quan Mật vụ Anh (MI5) và các đối tác của họ đã rất thành thạo trong việc xác định và phá tan những âm mưu như thế.
Thời gian lên kế hoạch cho một vụ tấn công như thế càng lâu thì có càng nhiều người tham gia và càng có nhiều cơ hội để các cơ quan an ninh “đánh hơi” thấy âm mưu đen tối của họ.
Kể từ vụ tấn công liều chết năm 2005, cảnh sát Anh đã được huấn luyện rất kỹ lưỡng cách ngăn chặn kịch bản tương tự xảy ra.
Nhưng lần này qua lần khác, những kế hoạch tấn công cũng trở nên tinh vi hơn, thể hiện qua các vụ tấn công ở Mumbai (Ấn Độ) năm 2008 hay gần đây hơn là ở Paris và Nice (Pháp) và một số vùng lãnh thổ khác ở châu Âu.
Hiện còn quá sớm để phán xét rằng lực lượng an ninh Anh có thể đã bỏ sót điều gì đó.
Họ đang phân tích dữ liệu từ chiếc xe mà kẻ tấn công sử dụng để đâm vào người đi đường xem nó đã đi qua những đâu, lục từng ngõ ngách, lần từng đầu mối những ai đã tiếp xúc với kẻ tấn công. Các chuyên gia cũng sẽ xem xét toàn bộ dữ liệu trong điện thoại của kẻ tấn công để xem anh ta đã trao đổi với ai trước khi thực hiện ý đồ này.
Mục đích của cảnh sát Anh là xác minh liệu đây là một kẻ tấn công kiểu "sói đơn độc" hay là một thành viên của mạng lưới khủng bố rộng lớn hơn.
Bước đầu cảnh sát Anh xác minh thủ phạm sinh ra tại Anh và từng bị MI5 điều tra vì biểu hiện cực đoan.
Song đến nay chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy vụ tấn công này có liên quan hay được IS truyền cảm hứng. Mặc dù vậy, chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu Steamboat, người chuyên viết bình luận cho các trang Opportunity Lives và National Review, ông Tom Rogan tin rằng khả năng đó rất có thể xảy ra.
3 câu hỏi đặt ra cho cảnh sát Anh
Ông Tom Rogan cho rằng câu hỏi đầu tiên là nghi phạm này hành động một mình hay là một phần của tổ chức lớn.
Theo ông Tom Rogan, phải thừa nhận rằng môi trường khủng bố ở Anh rất đa dạng, trong đó có những “con sói đơn độc” thất bại như Omar Mateen, kẻ xả súng câu lạc bộ đêm Orlando, nhưng cũng có những tay súng lão luyện khác.
IS từng lên kế hoạch tấn công nhiều địa điểm ở châu Âu. Tại Anh, hồi tháng 1/2016, tổ chức này cũng đã đe dọa Cầu Tháp (Tower Bridge), một trong những biểu tượng của London, cũng như Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron.
Chính vì thế, cảnh sát Anh cần phải nhanh chóng xác định các mối liên hệ của thủ phạm để xem hắn ta có nhận chỉ thị từ bên ngoài hay không.
Điều này dẫn tới câu hỏi thứ hai là liệu thủ phạm này có nằm trong vòng theo dõi của cơ quan chức năng hay không.
Ông Rogan cho là có bởi cơ quan chống khủng bố của Anh có dữ liệu rất tỉ mỉ về những tay súng thánh chiến và những người ủng hộ. Tuy nhiên, với hàng nghìn cái tên phải theo dõi, rất có thể họ đã chọn ưu tiên những đối tượng có dấu hiệu đe dọa rõ ràng hơn.
Thứ ba, nước Anh sẽ phải xem lại xem phản ứng của họ sau vụ tấn công ngày 22/3 đã đủ tốt chưa.
Theo ông Rogan, các vụ tấn công ở Paris và Brussels thời gian qua đã là hồi chuông cảnh báo để Anh tăng cường năng lực chống khủng bố song vấn đề trước mắt là an ninh của Quốc hội cũng như an ninh cho cá nhân Thủ tướng Anh và Nữ hoàng Anh chưa phù hợp.
Tuy nhiên, tăng cường phòng thủ cho thủ đô không giải quyết được vấn đề bởi các địa điểm khác thiếu nguồn lực chống khủng bố. Điều đó nghĩa là các vụ tấn công bên ngoài London sẽ đòi hỏi phản ứng nhanh của quân đội trong khi lực lượng đặc biệt đó lại đóng chủ yếu ở khu vực miền Tây và Nam nước Anh khiến phần còn lại của đất nước trở nên dễ bị tổn thương./.