Có hay không việc bảo kê lâm tặc phá rừng di sản ở Quảng Bình?
Như chúng tôi đã phản ảnh trong bài viết “Rừng Quảng Bình bị tàn phá, kiểm lâm ở đâu?”, nêu lên thực trạng nhiều khu rừng gỗ quý liên tiếp bị triệt hạ trong thời gian gần đây tại tỉnh Quảng Bình. Để xảy ra hàng loạt vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng nhưng người đứng đầu các ngành, địa phương vẫn chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm? và việc xử lý sai phạm còn tình trạng “giơ cao đánh khẽ”. Dư luận nghi ngờ đã có sự tiếp tay, bảo kê cho lâm tặc phá rừng?
Cuối tháng 2 năm nay, một vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng, qui mô lớn xảy ra tại Tiểu khu 649, 650 khu vực biên giới xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. 72 cây gỗ quý, với hơn 100 m3, chủ yếu là gỗ mun bị triệt hạ. Cơ quan chức năng phát hiện 3 hầm cất giấu gỗ mun, trong đó có 2 hầm tại nhà ông Nguyễn Trung Kính, ở bản Cu Tồn, xã Thượng Trạch.
Hàng chục phách gỗ mun được phát hiện cất dấu tại bản Cu Tồn, xã Thượng Trạch, nghi gỗ tiểu khu 649, 650 thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng bị triệt hạ. |
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình khẳng định, đây là vụ phá rừng qui mô lớn, tính chất nghiêm trọng.
“Đây là vụ án phá rừng rất nghiêm trọng. UBND huyện cũng đã tập trung chỉ đạo Công an huyện khởi tố vụ án, hoàn thiện hồ sơ tiến tới khởi tố bị can, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, các vi phạm nghiêm trọng trong việc bảo vệ nghiêm ngặt đối với di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng”, ông Vũ nói.
Hiện trường rừng tự nhiên tại vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng bị chặt phá |
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình xác định, rừng tại đây bị tàn phá trong một thời gian dài. Thật khó giải thích khi khu vực rừng bị tàn phá cách Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch thuộc Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Đồn Biên phòng Cồn Roàng không xa. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có sự buông lỏng quản lý hoặc bảo kê, tiếp tay từ cơ quan chức năng để lâm tặc phá rừng?.
Một gốc gỗ mun sọc tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bị lâm tặc đốn hạ, gốc còn tươi. |
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thừa nhận trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng. Thế nhưng, ngay sau đó ông Tịnh lại đẩy trách nhiệm cho nơi khác với lý do, tiểu khu rừng bị phá thuộc khu vực biên giới. Ông Tịnh phân trần, theo qui định, cán bộ kiểm lâm của Ban quản lý muốn tuần tra rừng khu vực biên giới phải được sự đồng ý của lực lượng Biên phòng mới được phép vào.
Sau khi đốn hạ gỗ lim tại Lâm trường Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, các đối tượng đốt gốc để phi tang. |
“Những khu vực rừng nằm ở vành đai biên giới, khi tiến hành các hoạt động tuần tra, truy quét lâm tặc thì chúng tôi phải báo cho đồn Biên phòng quản lý khu vực đó biết. Trong một số trường hợp thì tính bí mật, bất ngờ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Nếu họ thực hiện nhiệm vụ một cách khách quan vô tư thì không có vấn đề gì xảy ra. Nếu mà họ có mối quan hệ không trong sáng với các đối tượng khai thác, thì có thể họ trì hoãn hoặc có thể họ thông tin cho các đối tượng đó biết”, ông Tịnh cho hay.
Vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. |
Theo ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thì việc phải báo với lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm mới được vào rừng khu vực biên giới tuần tra đã làm mất đi yếu tố bất ngờ và có thể thông tin bị rò rỉ.
Còn Đại tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình thì nói rõ, đối với công tác bảo vệ rừng, biên phòng chỉ là đơn vị phối hợp và luôn sẵn sàng phối hợp với kiểm lâm, bất cứ lúc nào. Khi để xảy ra phá rừng thì Kiểm lâm, Ban quản lý Vườn phải chịu trách nhiệm.
Số gỗ mun được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện nghi gỗ từ tiểu khu 649, 650 Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng bị tàn phá. |
“Đây là vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trách nhiệm chính là của Vườn và Hạt Kiểm lâm. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định rõ ràng như thế và giao trách nhiệm kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, làm rõ trách nhiệm. Không thể đổ cho biên phòng được, anh định đẩy quả bóng sang cho biên phòng là không được”, ông Thiện nhấn mạnh.
Vậy là trong các lực lượng phối hợp tuần tra bảo vệ rừng đã bộc lộ sự thiếu phối hợp với nhau. Những người trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng cứ đùn qua, đẩy lại trách nhiệm của mình. Trong khi đó, hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn, đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra khiến dư luận thêm bức xúc. Giữa lúc cơ quan chức năng tiến hành điều tra vụ hơn 100m3 gỗ mun tại rừng lõi bị chặt phá thì lâm tặc ngang nhiên phá 2ha rừng tự nhiên tại vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Trước đó, hàng chục m3 gỗ lim bị triệt hạ tại Lâm trường Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.
Giữa lúc cơ quan chức năng tìm thủ phạm 100 mét khối gỗ tại Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng bị tàn phá thì lâm tặc vẫn ngang nhiên phá rừng Khe Giữa huyện Lệ Thủy. |
Vừa qua, một số cán bộ, nhân viên kiểm lâm thuộc Lâm trường Trường Sơn, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bị xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc chuyển công tác khác. Thế nhưng, những người đứng đầu vẫn bình yên tại vị.
Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đặt vấn đề, kiểm lâm ở đâu khi những vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian dài.
Những cây gỗ tự nhiên ít ỏi còn sót lại ở rừng Khe Giữa Quảng Bình |
“Lực lượng Kiểm lâm, những người đại diện cho chủ rừng để bảo vệ rừng có vai trò như thế nào. Trách nhiệm của cơ quan Chi cục Kiểm lâm trong các vụ chặt phá rừng. UBND tỉnh sẽ tổng hợp lại các vụ phá rừng, rồi sẽ có ý kiến đối với ngành Kiểm lâm, mức độ như thế nào, trách nhiệm của ai phải làm rõ. Không thể mình đứng ngoài cuộc được. Nếu tất cả các vụ phá rừng đều do chủ rừng thì sinh ra lực lượng Kiểm lâm để làm gì. Lực lượng Kiểm lâm phải có trách nhiệm trong các vụ phá rừng này. Các anh có cơ động, có thanh tra. Có đội ngũ, lực lượng hùng hậu đóng chân trên tất các địa bàn, tại sao không tiến hành tuần tra, kiểm tra. Trách nhiệm chỗ này phải làm rõ”, ông Ngân cho biết./.