Cần làm trong sạch lực lượng bảo vệ rừng ở Quảng Bình
Liên quan trong nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra ở tỉnh Quảng Bình, lực lượng Công an tỉnh này vừa tiến hành khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng phá rừng ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và rừng thuộc lâm phận Trường Sơn. Điều dư luận quan tâm hơn là liệu rằng, những cá nhân, đơn vị để xảy ra phá rừng như Kiểm lâm, Ban Quản lý, bảo vệ rừng, đại diện chủ rừng… có chịu trách nhiệm liên đới hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật hay không?
Các khúc gỗ lim bị đốn hạ bỏ lại giữa rừng. |
Chỉ trong thời ngắn, liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn ở tỉnh Quảng Bình. Từ vụ phá rừng tự nhiên Khe Giữa, huyện Lệ Thủy đến rừng Trường Sơn ở huyện Quảng Ninh, tiếp đó là phá rừng ở vùng đệm di sản Phong Nha - Kẻ Bàng và rừng gỗ mun quý hiếm ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, rừng bị tàn phá nghiêm trọng.
Ông Trần Giảng, cán bộ hưu trí ở phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh hầu như năm nào cũng để xảy ra phá rừng. Dư luận hoài nghi, tình trạng này nếu xử lý không nghiêm minh, các đối tượng lâm tặc, đặc biệt là những kẻ chủ mưu, người có trách nhiệm buông lỏng quản lý khiến người dân mất niềm tin vào lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
"Các cơ quan chức năng cần nhìn thẳng vào sự thật để có biện pháp xử lý như thay đổi đội ngũ cán bộ quản lý vào bảo vệ rừng. Có như vậy niềm tin của nhân dân vào pháp luật mới được củng cố, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của chính quyền tỉnh mới được nâng lên", ông Giảng nêu ý kiến.
Một gốc gỗ mun sọc bị lâm tặc đốn hạ còn tươi tại Vường quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. |
Theo ông Trần Giảng, nếu không sàng lọc, làm trong sạch đội ngũ bảo vệ rừng thì khó giữ được rừng. Từ vụ 3 cây sưa bị đốn hạ ở rừng di sản có sự tiếp tay của lực lượng Kiểm lâm đến vụ đốn hạ hàng loạt cây gỗ dổi, cây mun và nạn săn bắn động vật hoang dã gây nhiều bất bình trong dư luận. Người dân thực sự lo lắng trước những khuất tất đang diễn ra ở khu vực rừng dọc dãy Trường Sơn.
Đại tá Đặng Văn Hoành, Trưởng Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, liên quan đến vụ phá rừng gỗ mun ở Phong Nha - Kẻ Bàng, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội, vụ án có nhiều băng nhóm với hàng chục đối tượng tham gia. Hầu hết các đối tượng khai thác gỗ trái phép đều không có nghề nghiệp ổn định, nhận thức về pháp luật yếu kém.
"Sau khi khởi tố vụ án, các đối tượng đều bỏ trốn khỏi địa phương. Phải chứng minh được vi phạm đối với các đối tượng, sau đó họ mới khai ra người này người kia, mình sẽ điều tra mở rộng dần", Đại tá Đặng Văn Hoành cho hay.
Điều tra ban đầu cho thấy, các nhóm lâm tặc tổ chức, liên kết chặt chẽ với nhau. Từ khâu chặt hạ, vận chuyển đến nơi tiêu thụ đều hình thành nên đường dây khép kín. Công an tỉnh Quảng Bình tiếp tục đấu tranh, làm rõ liệu các băng nhóm lâm tặc có nhận được sự bảo kê, tiếp tay hoặc làm ngơ của lực lượng quản lý bảo vệ rừng hay không?.
Các hộp gỗ thu được từ vụ phá rừng lâm phận Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. |
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
"Trong quá trình quản lý của các cơ quan thiếu chặt chẽ và cũng có những đơn vị thiếu trách nhiệm. Các vụ việc xảy ra ở sát ngay với đồn Biên phòng, sát với Trạm Kiểm lâm nhưng lại không phát hiện được. Có thể anh em chủ quan, thiếu trách nhiệm, cũng có thể bị bọn lâm tặc lôi kéo, mua chuộc. Trong xử phạt nhiều khi chưa mang tính răn đe, xử phạt chưa nghiêm, chưa mạnh", ông Phương nêu rõ.
Dư luận cho rằng, các đơn vị liên quan như Kiểm lâm, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Công ty TNHH Lâm Công nghiệp Long Đại, đại diện chủ rừng… mới kiểm điểm trách nhiệm về mặt hành chính là quá nhẹ. Cần kiên quyết xem xét và nếu đã có đủ cơ sở thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, các vụ phá rừng thời gian qua là bài học đau xót. Công an tỉnh phải điều tra một cách công tâm, khách quan để lấy lại niềm tin của người dân về sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của chính quyền địa phương. Đồng thời, những đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm phải có hình thức xử lý kỷ luật cả về mặt Đảng và chính quyền.
"Vụ phá rừng ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp. Cần tập trung chỉ đạo điều tra, khởi tố các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm. Công an tỉnh không phải dừng lại ở mức độ điều tra đó mà phải mở rộng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm. Xem đây là một vụ án điều tra, khởi tố làm điểm xử lý nghiêm để có tính chất răn đe. Giao cho Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi quá trình điều tra, giải quyết của cơ quan tố tụng”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh./