Chuyên gia bày cách cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Ngày 13/7, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo giới thiệu báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2017 dưới hình thức trực tuyến giữa hai đầu cầu Hà Nội và Genève (Thụy Sĩ). Tại hội thảo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ và chuyên gia cao cấp của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã thẳng thắn chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu từ chỉ số GII của Việt Nam.
Theo công bố báo cáo về xếp hạng GII 2017, Việt Nam xếp thứ 47/127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2007. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước), Việt Nam dẫn đầu. So với các nước ASEAN, thứ hạng của Việt Nam đứng sau Singapore và Malaysia, trên Thái Lan.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề xuất giải pháp cải thiện những chỉ số thuộc GII mà Việt Nam đang nằm trong nhóm yếu. Ảnh: Ngũ Hiệp |
Kết quả này cho thấy cả hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra về đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2017 đều có những tiến bộ vượt bậc. Từ đầu cầu Thụy Sĩ, ông Sacha Wunsch-Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO, nhận định Việt Nam chi cho đầu vào chỉ ở mức tương đối nhưng kết quả đầu ra rất hiệu quả.
"Việt Nam có kết quả tốt ở nhóm chỉ số về thị trường tài chính, thị trường tín dụng hay cơ sở hạ tầng. Các bạn có dòng FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đổ vào rất vững vàng và dài hạn hơn các nước khác, đặc biệt về công nghệ cao", ông Sacha nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn yếu ở nhiều nhóm chỉ số. Ông Sacha cho rằng cần nhanh chóng cải thiện chất lượng môi trường, quy định quản lý nhằm khuyến khích tinh thần kinh doanh của người Việt. "Môi trường điều tiết hiện tại chưa thực sự tạo điều kiện để cái gen kinh doanh của các bạn được phát huy", ông Sacha nói.
Nhận thấy nền tảng giáo dục của Việt Nam rất vững nhưng chuyên gia của WIPO cũng chỉ ra rằng giáo dục cơ bản đang tốt hơn giáo dục đại học. Tỷ lệ nhập học đại học chưa cao như bậc tiểu học hay trung học. Theo ông, điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến chỉ số GII.
Bên cạnh đó, tỷ lệ việc làm sử dụng nhiều kiến thức ở Việt Nam chưa cao. "Các bạn có nguồn nhân lực được đào tạo tốt nhưng cần phải tìm cách để khai thác nguồn nhân lực đó, đảm bảo cho họ có việc làm tương xứng với kiến thức của họ", ông Sacha phân tích và nói thêm cần có sự kết nối tốt hơn giữa nghiên cứu với đổi mới sáng tạo trong trường học, đào tạo nâng cao và với doanh nghiệp.
Từ những nhìn nhận thẳng thắn về điểm yếu của Việt Nam trong các nhóm chỉ số GII, ông Sacha cho rằng Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả yếu tố đầu vào và đầu ra của đổi mới sáng tạo, trong đó đặc biệt lưu ý đến cải thiện nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho rằng để cải thiện những chỉ số mà Việt Nam đang được xếp vào nhóm yếu, hoặc có xu hướng giảm trong những năm gần đây, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ như Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Cần đẩy mạnh đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, trong đó quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu, hợp tác quốc tế và phát triển doanh nghiệp", ông Khánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam cần tái cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. "Doanh nghiệp phải là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin", ông Khánh nói và cho rằng Việt Nam cũng cần những giải pháp tăng cường các sản phẩm của mình trên thị trường toàn cầu.
Thứ trưởng cũng thông tin trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có những hoạt động cụ thể hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương để cải thiện chỉ số GII như xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết từng chỉ số GII, tổ chức tập huấn, hướng dẫn trực tiếp, phối hợp với chuyên gia WIPO và các tổ chức quốc tế để tìm ra giải pháp cho từng nhóm chỉ số.