Chống thất thoát vốn Nhà nước bằng cách nào?
Không thỏa thuận trước khi công khai đấu giá cổ phần
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp cổ phần hóa có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm. Bộ Tài chính cho rằng, quy định này dẫn tới quyền lợi của các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện.
Nhiều DNNN đã làm ăn tốt hơn sau khi cổ phần hóa (ảnh minh họa: KT) |
Hơn nữa, quy định hiện hành về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt.
Cách làm này, theo Bộ Tài chính là “chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước”.
Bộ Tài chính cho rằng, để khắc phục hạn chế trên, dự thảo Nghị định điều chỉnh quy định việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của nhà đầu tư chiến lược phải được thể hiện trong cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền; điều chỉnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai (bỏ hình thức bán thỏa thuận trước);
Dự thảo Nghị định cũng thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm (thay cho 5 năm) để phù hợp với quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 119 Luật doanh nghiệp (xác định như cổ đông sáng lập); đồng thời quy định cụ thể tiêu chuẩn của Nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế.
Ngăn tình trạng doanh nghiệp cố tình “ôm” đất
Liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, một việc rất quan trọng nữa là xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.
Đây cũng là vấn đề được Bộ Tài chính đánh giá là “được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá trong thời gian qua”. Dự thảo Nghị định này tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao. Hướng được Bộ Tài chính đưa ra là yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.
Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp. Quy định này được cho là sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.
Giá đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa phải sát giá thị trường
Những diện tích đất mà doanh nghiệp cổ phần hóa được tiếp tục sử dụng đều phải xác định lại giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đó phải là giá đất cụ thể sát với giá thị trường, nếu là đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm cũng phải xác định lại là giá đất cụ thể sát với giá thị trường và nộp tiền thuê đất như các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Về việc tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để cổ phần hóa, dự thảo Nghị định quy định: nếu doanh nghiệp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, phải đảm bảo nguyên tắc định giá thuê theo giá đất phổ biến trên thị trường.
Riêng đối với đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lời cao, có lợi thế trong việc làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì giá đất trong bảng giá đất của từng địa phương quy định phải bao gồm yếu tố có khả năng sinh lợi cao, có lợi thế vị trí đất (địa phương phải quy định mức giá đất trong bảng giá đất đối với trường hợp này cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất do Chính phủ quy định).
Nếu đất thuê có lợi thế vị trí địa lý thì giá trị lợi thế được tính ngay vào bảng giá đất và đơn giá thuê đất mà doanh nghiệp phải nộp Nhà nước theo quyết định của địa phương.
Trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công ty cổ phần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai./.