Chia rẽ và bất đồng phủ bóng lễ kỷ niệm sinh nhật 70 năm của NATO
Lễ kỷ niệm ngày ra đời Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4/4 đã trở thành dịp để tổ chức quân sự này chứng minh tình đoàn kết.
Từ bên trái: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Bỉ Charles Michel, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg tại thượng đỉnh NATO tháng 7 năm ngoái. (Nguồn: FT) |
Ngày 4/4/1949, 12 quốc gia sáng lập đã ký hiệp ước Liên minh Đại Tây Dương nhằm tạo mặt trận chung chống lại Liên Xô giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh. Thế giới đã thay đổi, song sau 70 năm, dưới con mắt của NATO, Nga vẫn bị coi là mối đe dọa chính và tổ chức này vẫn đang nỗ lực chứng minh là một liên minh lâu đời nhất và hiệu quả nhất trong lịch sử.
Phát biểu nhân dịp này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 4/4 nhấn mạnh, NATO không muốn một cuộc Chiến tranh lạnh mới, song Nga lại đang đẩy thế giới vào một giai đoạn kém an toàn hơn. Người đứng đầu NATO đặc biệt nhấn mạnh tới 2 hồ sơ liên quan tới Nga. Trước tiên là Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), mà Mỹ và NATO cáo buộc Nga vi phạm và các hành động bị NATO cho là gây hấn của Nga trên biển Đen. Các cuộc tập trận chung với Ukraine và Gruzia đã đặc biệt được lên kế hoạch nhằm đảm bảo các tàu của Ukraine có thể đi lại qua eo biển Kertch và biển Azov một cách an toàn.
Theo Tổng thư ký Jens Stoltenberg, NATO quyết tâm duy trì khả năng răn đe, cũng như khả năng phòng vệ đáng tin cậy và hiệu quả. “Chúng tôi không phải là tấm gương phản chiếu những gì Nga đang làm, cũng như không có ý định triển khai các tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất tại châu Âu. Song NATO sẽ tiếp tục duy trì khả năng răn đe, cũng như phòng vệ đánh tin cậy và hiệu quả”, ông nói.
Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, đã đến lúc ngừng thổi phòng “mối đe dọa từ phía Đông”, đồng thời cáo buộc NATO tiếp tục gia tăng đối đầu quân sự và chính trị với Nga.
Theo các nhà phân tích, việc NATO tập trung vào Nga trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn dễ hiểu khi tình đoàn kết của khối này đang bị thử thách hơn lúc nào hết, với những bất đồng ngày càng tăng giữa Mỹ và nhiều đồng minh khác. Nga chỉ là một phần, nguyên nhân lớn thực sự khiến NATO khó tìm tiếng nói chung lại xuất phát từ cái nhìn mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với liên minh quân sự này. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, nhà lãnh đạo Mỹ luôn tìm cách gắn liền lợi ích thương mại với quân sự, cũng như muốn thay đổi điều khoản 5 của Hiệp ước thành lập liên quan tới nghĩa vụ hành động tập thể của các quốc gia thành viên.
Ngay trước thềm hội nghị, Phó Tổng thống Mike Pence đã làm nổi sóng căng thẳng với Đức khi chỉ trích nước này không đóng góp đủ cho chi tiêu quân sự hay gia tăng sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Với lý do khả năng tương thích các hệ thống vũ khí, Mỹ phản đối mạnh mẽ hợp đồng đã ký giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, chỉ trích đây là một quyết định thiếu suy nghĩ của Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp những đe dọa trừng phạt của Mỹ, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng phi vụ mua bán này.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói: “Cũng giống như bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoại việc phải cân bằng các mối quan hệ. Mối quan hệ của chúng tôi với Nga không phải là sự thay thế cho chính sách với Liên minh châu Âu hay các đối tác châu Âu khác".
Ngoại trưởng Đức Heiko Mass hôm qua (4/4) cảnh báo, chỉ có đoàn kết nội khối mới có thể cho phép tạo ra một mặt trận thống nhất và mạnh mẽ trên trường quốc tế. Đây là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay của NATO./.