Cấp thiết phải tháo gỡ khó khăn do thiếu giáo viên
Thiếu giáo viên giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập là tình trạng chung của ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước hiện nay. |
Năm học 2023-2024, Trường THCS Khe Mo, huyện Đồng Hỷ có 11 lớp với trên 430 học sinh. Tuy nhiên, toàn trường chỉ có 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia giảng dạy.
Cô giáo Hoàng Thị Tố Quyên, Hiệu trưởng Trường THCS Khe Mo, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Ngay từ đầu năm, nhà trường gặp khó khăn về nhân sự, thiếu biên chế, hợp đồng định mức thuê khoán cũng khó khăn, không tìm được nhân lực, chế độ đối với giáo viên nghỉ thai sản cũng không có người thay thế".
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 4.200 biên chế sự nghiệp giáo dục. |
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 4.200 biên chế sự nghiệp giáo dục. Trong đó, bậc học mầm non thiếu nhiều nhất với trên 1.500 biên chế, tiếp đến là khối THCS và tiểu học. Bên cạnh việc thực hiện thuê khoán định mức giáo viên, nhân viên như hiện nay, UBND tỉnh cũng đã xây dựng tờ trình, dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh về việc giao số lượng hợp đồng theo Nghị định số 111 năm học 2023-2024 với tổng số trên 2.900 hợp đồng.
Cô giáo Phạm Thị Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Túc Duyên, TP Thái Nguyên cho hay: "Đề xuất với tỉnh sớm có giải pháp để cụ thể hóa Nghị định số 111 giúp nhà trường tháo gỡ khó khăn trong thuê khoán hợp đồng đầu năm và tình trạng thiếu biên chế như hiện nay".
Cô giáo Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Nung, huyện Võ Nhai cho biết: "Hiện nay, việc thuê khoán giáo viên tại nhà trường rất khó khăn, rất mong các cơ quan có thẩm quyền hợp đồng dài hạn cho những giáo viên hợp đồng giao khoán".
Nghi định số 111 năm 2022 của Chính phủ được ban hành để thay thế, bãi bỏ Nghị định số 68 năm 2000, Nghị quyết số 102 năm 2020 của Chính phủ cũng như thay thế, bãi bỏ nhiều quy định khác về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Cô giáo , Trường Tiểu học Túc Duyên, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Khi được nghe nhà trường tuyên truyền về Nghị định 111 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số công việc thuộc nhóm 4 lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, ký kết hợp đồng có thời gian không quá 12 tháng và được hưởng nhiều chế độ phụ cấp ưu đãi khác, tôi cảm thấy rất phấn khởi, phần nào đó giải tỏa được lo lắng, yên tâm công tác".
Cô giáo Vũ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Vinh, TP Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi mong muốn các cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu với các cấp chính quyền để ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể".
Việc HĐND tỉnh đưa vào nghị luận tại kỳ họp dự thảo Nghị quyết về giao số lượng hợp đồng lao động tại các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên theo Nghị định số 111 năm 2022 của Chính phủ là một chủ trương đúng, trúng và phù hợp với yêu cầu của thực tế, sẽ góp phần cơ bản khắc phục những khó khăn do thiếu biên chế giáo viên và khó khăn khi nhiều đơn vị khó thực hiện thuê khoán giáo viên./.