Cần thúc đẩy ứng dụng và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao
Dây chuyền sản xuất của công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia |
Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia là một trong những doanh nghiệp sớm ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại và các nguyên liệu hữu cơ để sản xuất nấm. Từ giai đoạn ươm tạo, nuôi cấy giống, đến quá trình nuôi trồng và bảo quản nấm, công ty đều sử dụng các công nghệ hiện đại và không sử dụng các loại thuốc hóa học, vì vậy sản phẩm của doanh nghiệp đã từng bước đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các khách hàng khó tính ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc…Tuy nhiên, công ty vẫn chưa được công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia cho biết: “Doanh nghiệp có những kiến nghị những đơn vị có chức năng để cấp chứng nhận đó sẽ hỗ trợ và cùng với doanh nghiệp làm sao để hướng dẫn những thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho doanh nghiệp được cấp chứng nhận.”
Công ty CP Masan High - Tech Materials là 1 trong 4 doanh nghiệp duy nhất của tỉnh được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao |
Trong 10 năm hình thành và phát triển, Masan High - Tech Materials đã chuyển dịch thành công từ dự án Khai thác khoáng sản để trở thành nhà cung cấp vật liệu cho công nghệ cao toàn cầu. Với công nghệ sản xuất hiện đại, hiện nay, các dòng sản phẩm của công ty đã trở thành chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, ô tô điện, máy tính bảng, điện thoại, ti vi….Đây cũng là 1 trong 4 doanh nghiệp duy nhất của tỉnh được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao.
Ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Masan High - Tech Materials cho biết: “ Chúng tôi luôn xác định cạnh tranh tốt là sản xuất ra những sản phẩm mà doanh nghiệp khác chưa sản xuất được, trong đó là những sản phẩm công nghệ cao, giá trị cao. Vì vậy phải thúc đẩy sản xuất theo công nghệ cao. Chúng tôi hy vọng những công nghệ đang áp dụng tại đây sẽ mở ra hướng phát triển mới trong khai thác chế biến khoáng sản.”
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện chỉ có 4 doanh nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao |
Tuy nhiên theo thống kê, trong tổng số gần 6.000 doanh nghiệp của tỉnh thì mới chỉ có 4 doanh nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao, 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp; nhiều doanh nghiệp ít đầu tư cho khoa học công nghệ; các cơ chế hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
Bà Phạm Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học công nghệ trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để trong thời gian tới tham mưu các cơ chế, chính sách của địa phương để thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.”
Công nghệ cao và ứng dụng khoa học công nghệ cao là điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế đang diễn ra. Chính vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, của tỉnh, các doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức về vai trò của công nghệ và tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ. Từ đó sẽ tạo dựng lên các doanh nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới./.