Các nước EU lao vào cuộc đua giành lợi từ Brexit
Thông tin từ Uỷ ban châu Âu tại Brussels cho biết, đến ngày 2/8 đã có 23 nước thành viên của Liên minh châu Âu chính thức nộp hồ sơ xin ứng cử làm nơi đặt trụ sở của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) và 8 nước xin đăng ký làm trụ sở của Cơ quan quản lý Ngân hàng châu Âu (EBA).
Hai cơ quan này trước đây vốn đặt tại thủ đô London của Anh nhưng sau khi nước Anh quyết định dời bỏ liên minh châu Âu sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit tháng 6/2016, trụ sở của hai cơ quan quản lý quyền lực này sẽ phải dời sang lãnh thổ một quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu.
Việc Anh rời bỏ EU tạo ra nhiều xáo trộn. (Ảnh: Reuters) |
Đây là cuộc cạnh tranh được dự đoán sẽ rất quyết liệt giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu, đặc biệt trong việc giành quyền đặt trụ sở của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu. Cơ quan này có quyền lực rất lớn trong việc thẩm định và kiểm soát tất cả các loại dược phẩm lưu hành trên đất châu Âu. Ngoài ra, Cơ quan này còn sử dụng đến 900 nhân viên và mỗi năm tiếp đón hàng ngàn nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới.
Vì thế, việc được chọn là nơi đặt trụ sở của Cơ quan này được cho là sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương tại quốc gia được lựa chọn và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về nơi này. Tương tự, Cơ quản quản lý ngân hàng châu Âu cũng sử dụng thường trực hơn 160 chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực ngân hàng và được đánh giá là một trong 3 cơ quan có quyền lực nhất tại châu Âu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cùng với Ngân hàng trung ương châu Âu và Cơ quản quản lý bảo hiểm và trợ cấp nghề nghiệp châu Âu.
Nhằm tránh sự cạnh tranh căng thẳng quá mức cũng như để giữ được sự đoàn kết hiện nay giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu trong hồ sơ Brexit, cuối tháng 6 vừa qua, Uỷ ban châu Âu đã đề ra cách thức tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn các thành phố sẽ là nơi đặt trụ sở mới của hai cơ quan này.
Theo đó, Uỷ ban châu Âu sẽ tiếp nhận và đánh giá hồ sơ của từng ứng cử viên cho đến cuối tháng 9/2017, dựa trên các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, năng lực kết nối, vị trí địa lý, thị trường lao động và môi trường giáo dục. Đến tháng 11/2017, một cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành với mỗi quốc gia thành viên có một lá phiếu ngang bằng nhau.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, rất nhiều thành viên nhỏ trong Liên minh châu Âu đã lên tiếng lo ngại về khả năng sẽ có các sắp xếp ngầm giữa các nước lớn trong Liên minh, đặc biệt giữa Đức và Pháp. Phía Pháp đã đề xuất hai thành phố của mình làm ứng cử viên, đó là thành phố Lille ứng cử cho nơi đặt trụ sở Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu còn thủ đô Paris ứng cử cho nơi đặt trụ sở của Cơ quan quản lý Ngân hàng châu Âu. Phía Đức cũng đã đưa thành phố Frankfurt, trung tâm Tài chính hàng đầu châu Âu, làm ứng cử viên tiếp nhận trụ sở Cơ quan quản lý Ngân hàng châu Âu.
Giới quan sát nhận định, khả năng hai cường quốc lãnh đạo Liên minh châu Âu là Đức và Pháp ngầm thoả thuận với nhau là rất lớn, theo đó thành phố Lille của Pháp sẽ được chọn là nơi đặt trụ sở Cơ quản quản lý dược phẩm còn thành phố Frankfurt của Đức sẽ tiếp quản trụ sở của Cơ quan quản lý Ngân hàng.
Một khía cạnh khác cũng rất đáng chú ý là khả năng chiến thắng của các thành phố lớn thuộc các thành viên Trung và Đông Âu, như các thủ đô Warsaw của Ba Lan, Prague của CH Czech hay Bratislava của Slovakia. Hầu hết nhận định cho rằng các thành phố này, dù có đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra, cũng sẽ có ít cơ hội chiến thắng do vào thời điểm hiện tại Uỷ ban châu Âu đang rất mâu thuẫn với các nước thành viên này do việc từ chối tiếp nhận người tị nạn hay do các cải cách tư pháp bị xem là vi phạm các giá trị nhà nước pháp quyền./.
Quang Dũng/VOV-Paris