Các chợ đầu mối lớn chiếm tới 60% thị phần cung cấp hàng Tết tại TPHCM
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa ở TP HCM đã sẵn sàng nguồn hàng dự trữ và các mặt hàng có sẵn phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Ngoài đảm bảo hàng hóa cho 13 triệu dân, thành phố còn là đầu mối hàng hóa tiêu dùng cho nhiều tỉnh, thành khác. Cho nên, cùng với việc nỗ lực thực hiện 9 nhóm mặt hàng thiết yếu bình ổn giá cho người dân trong dịp Tết, thành phố đẩy mạnh các khâu sản xuất và phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng tại nhiều nơi với chi phí hợp lý nhất, góp phần ổn định thị trường chung.
Năm nay, để đảm bảo hàng hóa phục vụ cho 13 triệu dân trong dịp Tết, TP HCM xác định có 3 nguồn cung là: từ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm 30%- 40%, các chợ đầu mối lớn chiếm từ 50% - 60% thị phần và các doanh nghiệp khác chiếm 10% - 20%. 9 nhóm mặt hàng thiết yếu được bình ổn, đảm bảo không tăng giá là: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thực phẩm chế biến, thủy hải sản.
Sở Công thương TP HCM dự báo, các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng cho thị trường Tết tăng từ 12% - 15% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 20% - 30% so với Tết trước. (Ảnh minh họa/KT) |
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp của thành phố đã sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết với tổng trị giá hơn 17.800 tỷ đồng, tăng hơn 743 tỷ đồng so với Tết năm ngoái, trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường hơn 7.000 tỷ đồng.
Là một trong những doanh nghiệp khởi động thị trường mùa Tết khá sớm, Công ty Cổ phần Sài Gòn Food đã sẵn sàng hơn 800 tấn thực phẩm chế biến. Doanh nghiệp này còn đưa ra thị trường 16 sản phẩm thực phẩm chế biến mới, dành riêng cho mùa Tết.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food chia sẻ: "
Thật ra năm nay cũng chưa có dấu hiệu gì tốt cho thị trường. Tuy nhiên, Saigon Food có nhiều sản phẩm mới và có tập trung các hoạt động để giới thiệu với người tiêu dùng và mở thêm nhiều điểm bán mới nên chúng tôi kỳ vọng sản phẩm, sản lượng mùa tết năm nay sẽ tăng".
Còn Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản - Vissan, doanh nghiệp cung ứng thịt gia súc lớn đã đầu tư 650 tỷ đồng để chuẩn bị 3.000 tấn thịt tươi sống và 3.500 tấn sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, tăng 30% so với mùa tết năm ngoái.
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng giám đốc Vissan cho biết: "
Những ngày này, các đơn vị sản xuất cũng đang xôn xao với việc tăng giá điện. Nhưng với Vissan chúng tôi chưa có ý định gì về việc tăng giá trong dịp Tết. Chúng tôi vẫn giữ giá theo giá bình ổn để đảm bảo việc mua sắm Tết cho người dân".
Tương tự như vậy, là doanh nghiệp phân phối và bình ổn hàng hóa lớn của TP HCM, Liên hiệp các hợp tác xã thương mại TP HCM - Sài Gòn Coop đến thời điểm này cũng sẵn sàng hàng hóa phục vụ Tết. Sài Gòn Coop chuẩn bị hơn 150.000 tấn hàng hóa cung ứng cho thị trường trong 3 tháng trước- trong và sau tết, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Maketing Sài Gòn Coop cho biết: "Từ tháng 6/2017, Sài Gòn Coop đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị sản xuất, các nhà cung cấp để chuẩn bị tăng cường lượng hàng thiết yếu lên 2-4 lần. Từ đó chủ động nguồn cung dự trữ, điều tiết được hàng hóa Tết, giúp người tiêu dùng mua sắm tết an toàn và tiết kiệm".
Sở Công thương TP HCM dự báo, các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng cho thị trường Tết tăng từ 12% - 15% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 20% - 30% so với Tết trước. Sở theo dõi sát công tác chuẩn bị, giá cả và sức mua để điều phối hàng hóa, thị trường từ nay đến cận tết, cho các doanh nghiệp cam kết ổn định, không tăng giá trong 2 tháng trước và sau Tết.
Song song với công tác tạo nguồn hàng có chất lượng, giá bán ổn định, thành phố phát triển mạng lưới phân phối với 10.602 điểm bán hàng bình ổn, trong đó có 2.616 điểm bán ngay ở các khu dân cư. Các ngành, các địa phương cũng sẽ tăng tần suất các chuyến bán hàng lưu động để đưa hàng hóa Tết đến tận tay công nhân tại các KCX-KCN và người dân vùng ven.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM khẳng định: "Tất cả các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đang tích cực chuẩn bị và phối hợp với Sở Công thương để thực hiện tốt kế hoạch chăm lo Tết. Tôi cho rằng Tết này hàng hóa sẽ đầy đủ, giá cả sẽ ổn định và người dân sẽ an tâm khi đi mua sắm".
Cùng với bình ổn giá, tại TP HCM, trong tháng cận Tết, các doanh nghiệp sẽ có nhiều đợt khuyến mãi, tập trung các mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... với tổng giá trị khuyến mãi khoảng 1.200 tỷ đồng.
Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay cách nhau 1 tháng rưỡi, thời gian nghỉ Tết cổ truyền dự kiến khoảng 7 ngày, do vậy nhu cầu mua sắm tết sẽ tăng đột biến từ đầu tháng 2/2018. Năm nay, lượng hàng hóa được đánh giá là dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, hệ thống phân phối phủ rộng. Với sự nỗ lực chuẩn bị của thành phố, giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ tết sắp tới sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng giá cả biến động./.