Cả Nga lẫn Mỹ đều đang đẩy Syria vào thế một mất một còn
Theo CNN, Mỹ hôm 3/10 tuyên bố sẽ hủy kênh đối thoại song phương với Nga về việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng Nga khiến Mỹ không còn tín nhiệm vì đã “tạo ra một loạt cam kết mà chả có dấu hiệu nào cho thấy sẽ tuân thủ chúng”.
Mỹ cũng cáo buộc Nga không kích vào dân thường Syria gây nhiều thương vong khiến ông Earnest thay mặt Nhà Trắng lên tiếng: “Chúng tôi đã mất kiên nhẫn với Nga”.
Cuộc không kích của quân đội chính phủ vào phe nổi dậy Syria ở Douma, gần thủ đô Damascus khiến khu vực này lại đỏ lửa ngày 3/10. (ảnh: Reuters) |
Việc Mỹ bất ngờ “buông tay” trong vấn đề Syria đang góp phần đẩy cuộc nội chiến giữa quân đội chính phủ của Tổng thống al-Assad và lực lượng đối lập ở quốc gia này tới tình thế một mất một còn.
Chiến trường Syria lại đỏ lửa
Chiến sự ở Syria có dấu hiệu ác liệt cuối tuần qua. Hôm 1/10 nhóm nổi dậy Ahrar al-Sham tấn công quân đội chính phủ bằng hệ thống tên lửa Grad tại thành phố Hama.
Đáp lại, ngày 2/10, quân đội Syria với sự trợ giúp của đồng minh thực hiện chiến dịch không kích giành lại quyền kiểm soát khu vực công nghiệp, nơi tập trung nhiều nhà máy ở phía Bắc tỉnh Aleppo. Cuộc không kích được cho là đẩy lui được các lực lượng chống đối ở nhiều vị trí chủ chốt, tạo đà thắng cho đội quân của ông al-Assad.
Ngay sau đó, quân đội chính phủ đã yêu cầu phe đối lập rời vị trí đóng quân và cam kết các nhóm đối lập sẽ thoát khỏi thành phố một cách an toàn.
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội yêu cầu các nhóm đối lập đầu hàng, hạ vũ khí nhưng là lần đầu quân đội cam kết tạo hành lang an toàn cho phe đối lập thoát ra ngoài cũng như cung cấp những hỗ trợ cần thiết khác.
Quân đội của Tổng thống Syria al-Assad đặt mục tiêu đẩy lùi phe đối lập, giành lại toàn bộ thành phố Aleppo, địa bàn mang tầm chiến lược do gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và từng là trung tâm kinh tế của Syria.
Tân Hoa xã dẫn nguồn tin quân đội chính phủ Syria cho biết, với việc giành quyền kiểm soát khu vực công nghiệp Shaqif ở vùng ngoại ô phía Bắc Aleppo, quân Chính phủ đã bảo vệ được tuyến đường chiến lược Castello, vốn là tuyến tiếp viện duy nhất tới khu vực phía Đông do phe đối lập kiểm soát.
Từ tháng 7, Aleppo đã trở thành điểm giao tranh ác liệt nhất tại Syria trong bối cảnh cả quân đội Chính phủ và lực lượng đối lập tăng cường quân tiếp viện tới chiến trường này.
Nga điều thêm máy bay chiến đấu đến Syria?
Reuters đưa tin ngày 30/9, Nga đã điều thêm máy bay chiến đấu Su-24 và Su-34 đến căn cứ Hmeymim của Syria để mở rộng chiến dịch không kích. Tuy nhiên thông tin này chưa được Bộ Quốc phòng Nga xác nhận.
Khi Thỏa thuận ngừng bắn cho Syria bị xâm phạm, từ ngày 12/9 giao tranh ở Aleppo trở nên không ngừng nghỉ sau khi phe chính phủ Syria với sự trợ giúp của Nga mở chiến dịch đẩy lùi phe nổi dậy khỏi căn cứ chính này.
Mỹ tuyên bố hủy kênh đối thoại song phương với Nga về thỏa thuận ngừng bắn cho Syria. Ảnh Ngoại trưởng Mỹ -Nga tại Geneva hôm 9/9. (ảnh: The New York Times) |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói chuyện qua điện thoại liên tiếp trong ba ngày. Phía Nga nói rằng sẽ cân nhắc thêm các giải pháp để có thể đưa tình hình tại Aleppo trở lại bình thường.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga chỉ trích Washington đã không thể tách biệt được giữa những nhóm nổi dậy ôn hòa và những đối tượng mà Nga gọi là khủng bố.
Từ đó dẫn tới việc các lực lượng do nhóm Mặt trận Nusra chỉ huy đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn cho Syria mà Nga-Mỹ đạt được. Bởi thế, không quân Nga phải tiếp tục hỗ trợ quân Chính phủ Syria và tiến hành cuộc chiến chống các nhóm khủng bố ở nước này.
Về phía Mỹ, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mark Toner ngày 30/9 nói rõ Moscow cần triển khai ngay lập tức các bước chấm dứt bạo lực, nếu không Mỹ sẽ hủy kênh đối thoại song phương với Nga về vấn đề Syria.
Cuối tuần qua, Nga vẫn tiếp tục hỗ trợ quân đội chính phủ không kích phe đối lập Syria, giải pháp ngoại giao chính thức thất bại.
Mỹ đang thực thi “giải pháp mạnh” ở Syria?
Theo RT, Mỹ đã tạo ra một khoảng trống quyền lực nguy hiểm khi tìm mọi cách hạ bệ Tổng thống Syria Basa al-Assad. Thay vào đó, dùng lực lượng khủng bố để lấp đầy chỗ trống.
Nga cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho việc lực lượng khủng bố phá hoại thỏa thuận ngừng bắn Syria.
Trong tuyên bố hôm 3/10, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng: Washington đã không hề gây áp lực với Jabhat Al-Nusra, khoanh tay đứng nhìn phiến quân tung tác tại Syria mà không có hành động chống lại”. Đây là một “thỏa thuận với cái ác”.
Mỹ cũng bị coi là đứng sau, bỏ qua động thái của các nước đồng minh vùng Vịnh trang bị cho phe đối lập Syria hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bà Maria Zakharova nói: “Nếu Mỹ phát động xâm lược trực tiếp chống lại Damascus và quân đội Syria, nó sẽ dẫn đến hậu quả khủng khiếp, không chỉ tạo ra những thay đổi lớn với đất nước này mà còn ảnh hưởng cả khu vực”.
Trong khi đó, hãng tin CNN đưa tin Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong một cuộc họp với một nhóm thường dân Syria hồi tuần trước, đã thể hiện sự cảm thông với các yêu cầu của nhóm này, trong đó kêu gọi Mỹ can thiệp mạnh mẽ hơn để giải thoát họ khỏi các cuộc không kích của quân đội Syria dưới sự hỗ trợ của Nga.
“Tôi đã tranh cãi về việc sử dụng vũ lực. Tôi là người đã đứng lên và tuyên bố rằng chúng tôi sẽ tấn công Assad về việc sử dụng các loại vũ khí,” ông Kerry ám chỉ việc cần có hành động đáp trả trước thông tin chính quyền al-Assad sử dụng vũ khí hóa học hồi năm 2013.
Mỹ bỏ qua cho các đồng minh vùng Vịnh khi trang bị cho phe đối lập Syria hệ thống tên lửa vác vai. (ảnh: Sofrep) |
Trong những tháng qua, quân đội Syria dưới sự hỗ trợ của Nga liên tiếp thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào các vị trí được cho là của phiến quân nổi dậy, song lại khiến gần 250.000 dân thường bị ảnh hưởng. Hàng trăm người đã bị thiệt mạng.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ngày 1/10 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt đang đẩy thành phố Aleppo của Syria tới bờ vực của sự hủy diệt hoàn toàn.
Khi tình hình chiến sự leo thang, đàm phán đổ bể, giới chức Mỹ được cho đang tính đến những biện pháp khác mạnh mẽ hơn như cung cấp thêm vũ khí cho phe đối lập, bật đèn xanh cho các nước đồng minh Vùng Vịnh viện trợ vũ khí cho phe đối lập; huấn luyện phiến quân đối lập Syria…. Hay đáng nói nhất là ném bom vào căn cứ không quân Syria.
Như thế, xung đột Mỹ - Nga chính thức “đổ thêm dầu” vào chảo lửa Syria, khác nào đẩy cuộc nội chiến giữa quân chính phủ và phe đối lập nước này vào thế chiến đấu một mất một còn./.