Bức xúc vì mùi khó chịu nghi của nhà máy luyện chì, cả bản họp trong đêm
Giữa đêm, người dân Bản Đăm, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã phải họp khẩn để lập biên bản kiến nghị chính quyền và ngành chức năng điều tra nguyên nhân, tìm phương án ứng phó sau khi khu vực này tiếp tục xuất hiện mùi hôi, khét khó chịu được cho là xuất phát từ nhà máy luyện chì gần đó.
Bức xúc vì mùi hôi, người dân Bản Đăm, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn họp lúc nửa đêm để làm biên bản gửi chính quyền địa phương. |
Theo phản ánh của người dân sinh sống trong khu vực, từ sau Tết Nguyên đán đến nay lại xuất hiện mùi hôi, khét và đến cuối tuần trước (các ngày 23 và 24/2) thì tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là vào ban đêm. Do thời điểm xuất hiện mùi hôi trùng với thời điểm nhà máy luyện chì của doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc đóng ở Bản Tặc gần đó hoạt động trở lại nên người dân cho rằng, mùi hôi là do khí thải của nhà máy gây ra.
Bà Phan Thị Phượng, Bí thư Chi bộ Bản Đăm cho biết: “Ai cũng kêu đau đầu, buồn nôn khi ngửi thấy mùi này. Bây giờ bà con cũng bức xúc ở chỗ này, cũng mong muốn các ban ngành làm sao làm cho dứt điểm chỗ này, để không còn mùi hôi”.
Biên bản do người dân Bản Đăm tự lập đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng mùi hôi khó chịu kéo dài. |
Không chỉ Bản Đăm, người dân Bản Trang cạnh đó cũng đã phản ánh tình trạng tương tự.
Bà Chu Thị Diều, Trưởng Bản Trang, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn nói: “Có gió tạt là có mùi như ngày công ty mới chạy, bà con trong thôn ai cũng kêu thời gian này mùi khét, đau đầu, khó chịu lắm”.
Người dân Bản Đăm cho rằng Nhà máy luyện chì của DNTN Cao Bắc là nơi phát sinh mùi hôi trong quá trình hoạt động. |
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn cùng chính quyền địa phương đã trực tiếp kiểm tra và có buổi làm việc với người dân cũng như đại diện doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra không thấy tình trạng không khí có mùi hôi, khét như người dân phản ánh.
Đại diện phía công ty TNHH Đô Thơm, là đơn vị đang thuê lại nhà xưởng của DNTN Cao Bắc thì cho rằng, mùi hôi không xuất phát từ nhà máy và yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ. Mặc dù cử cán bộ chuyên môn xuống làm việc nhưng không xác định được nguyên nhân gây mùi hôi, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn chỉ đưa ra giải pháp nửa vời là yêu cầu các thôn trong khu vực quanh nhà máy tiếp tục giám sát hoạt động của Xưởng chế biến, đồng thời đề nghị Nhà máy nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt khi phát hiện khí thải có mùi phát tán ra môi trường cần dừng ngay các hoạt động để khắc phục.
Công ty TNHH Đô Thơm phủ nhận mùi hôi xuất phát từ phía nhà máy luyện chì. |
Cuối năm 2018, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phản ánh sự bức xúc của người dân xã Đức Vân đối với nhà máy luyện chì tại Bản Tặc, bởi khí thải của nhà máy này được cho là nguyên nhân dẫn tới cây trồng bị chết và gây mùi hôi khó chịu. Đỉnh điểm là ngày 22/10/2018 nhiều phụ huynh học sinh trường tiểu học Đức Vân đồng loạt cho con nghỉ học vì lo ngại mùi hôi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con em mình. Từ kiến nghị của người dân, Sở TN&MT Bắc Kạn phối hợp với công ty Cổ phần Kỹ thuật và Phân tích môi trường tiến hành quan trắc, lấy mẫu kiểm định.
Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng khí CO và H2SO4 tại nhà máy luyện chì vượt quy chuẩn cho phép, tuy nhiên chưa có hình thức xử phạt nào được đưa ra đối với doanh nghiệp. |
Kết quả thử nghiệm mẫu phân tích lấy tại vị trí ống khí thải nhà máy vào ngày 14/11/2018 cho thấy, thông số khí CO (Cacbon Mônôxit) đã vượt 1,9 lần và đặc biệt là hơi khí H2SO4 (Axit sulfuric) đã vượt 1,4 lần tiêu chuẩn cho phép. Nhà máy này phải tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố rò rỉ khí thải và mới được phép chạy thử trở lại sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, cho đến thời điểm Nhà máy luyện chì chạy thử trở lại, chưa có bất kỳ hình thức xử phạt nào được tỉnh Bắc Kạn đưa ra đối với doanh nghiệp này dù theo quy định tại điểm m, khoản 3, điều 15 và điểm m, khoản 2, điều 16 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ “Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” thì mỗi mức vượt quá như trên sẽ chịu mức xử phạt từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng. Cũng theo điều 5 của Nghị định này, mức xử phạt sẽ nhân gấp 2 lần đối với các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm./.