Bộ Y tế lo dịch sởi bùng phát, tiêm vắc xin sớm hơn 3 tháng
Người lớn không có hàng "rào" miễn dịch bảo vệ!
Tại Hội nghị tăng cường phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè diễn ra ngày 21/3/2018, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết, theo dõi dịch tễ trên thế giới, dịch sởi 4 năm quay lại một lần.
Tại miền Bắc năm 2013- 2014 xảy ra vụ dịch sởi lớn. Theo chu kỳ, năm nay có thể là một năm dịch sởi sẽ quay trở lại, với 3 tháng đầu năm miền Bắc ghi nhận đến 90 ca mắc sởi.
Trong khi đó, có nhiều yếu tố nguy cơ khiến dịch bệnh tăng nhanh. Bởi đây là bệnh có tính lây truyền rất mạnh, biểu hiện lâm sàng 100%, đã nhiễm vi rút là sẽ biểu hiện bệnh.
Vì thế, nếu người mẹ không có miễn dịch chủ động thì rất khó bảo vệ con. Hơn nữa, tỷ lệ tiêm chủng thấp tại vùng sâu, đồng bằng dân tộc ít người hoặc các khu công nghiệp… nên dịch bệnh có thể xảy ra, rơi vào nhóm trẻ từ khi sinh đến 15 tuổi.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay cả nước ghi nhận 141 trường hợp dương tính với sởi (432 trường hợp phát ban nghi sởi). Trong đó, có 54 trường hợp (38,3%) là trẻ dưới dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng, 55 trường hợp không tiêm chủng, 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng và chỉ 10 trườngh ợp có tiêm vắc xin sởi.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, dù 3 tháng đầu năm sởi kiểm soát khá tốt, nhưng dịch bệnh hoàn toàn có thể gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay nhiều người lớn không có miễn dịch trước bệnh sởi. Ảnh: T.D |
“Ngay khi ghi nhận các ca mắc sởi mới, Hà Nội và một số địa phương đã tổ chức tiêm vét tỉ lệ tiêm cao. Điều đáng lưu ý, sau khi họp đánh giá xem xét tình hình miễn dịch cộng đồng với bệnh sởi cho thấy, miễn dịch sởi ở trẻ em là có, nhưng người lớn không có, kể cả các bà mẹ cũng không hề có miễn dịch sởi. Chúng ta tiêm sởi từ năm 1985 trở lại đây, vì thế một lượng người lớn không có miễn dịch. Điều này cũng trả lời cho câu hỏi, vì sao tỉ lệ khá lớn trẻ em chưa đến tuổi tiêm phòng đã mắc sởi”, Thứ trưởng Long phân tích.
“Tương tự với ho gà, sởi cũng vậy, bà mẹ không có miễn dịch không thể truyền cho con để bảo vệ trẻ. Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm ngừa vắc xin trước khi mang thai để tạo miễn dịch chủ động cho trẻ", Thứ trưởng nói.
Sẽ tiêm sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi
Thứ trưởng Long cho biết, lịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ em là 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, trước tỉ lệ trẻ mắc sởi do chưa đến tuổi tiêm chủng khá cao, nhiều phụ nữ trong tuổi sinh đẻ không có miễn dịch vắc xin sởi., Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đẩy sớm lịch tiêm chủng cho trẻ. Thay vì tiêm 9 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm chủng từ 6 tháng.
Khi hoàn thành nghiên cứu sẽ chính thức tiêm vắc xin sởi từ 6 tháng cho trẻ. Hi vọng năm nay có thể hoàn thành.
Đại diện chương trình TCMR giải thích thêm, thông thường trước 9 tháng tuổi, trẻ vẫn được bảo vệ tốt vì có kháng thể từ mẹ truyền cho con qua sữa mẹ. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng tại Hải Dương gần đây cho thấy hơn 92% trẻ 6-8 tháng tuổi không có kháng thể phòng bệnh sởi.
Thực tế trong thời gian qua cũng xảy ra tình trạng trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi, với tỷ lệ khoảng 3%, đặc biệt giai đoạn 2016 – 2017 tỷ lệ trẻ bị sởi khi chưa đến tuổi tiêm vắc xin tăng 20%.
Năm 2017, Hà Nội ghi nhận 83 ca sởi, một trẻ tử vong, trong đó gần một phần ba là trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.
Vì thế, nhằm bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi, dự án tiêm chủng mở rộng đề xuất Bộ Y tế cho phép tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ 6-8 tháng tại những vùng có nguy cơ, khi có dịch để giảm tỉ lệ mắc sởi ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Theo tính toán, tiêm ở lứa tuổi này trẻ được bảo vệ hơn 88%.
Thứ trưởng Long thông tin thêm, năm nay một số vắc xin mới được đưa vào TCMR như vắc xin sởi – rubella do VN sản xuất, vắc xin bại liệt tiêm…
Thứ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng phải tiến tới mục tiêu đạt 95% tiêm chủng ở quy mô xã phường, tránh xảy ra các điểm lõm trong tiêm chủng dễ gây bùng phát dịch bệnh. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị cần tổ chức họp, đưa ra được đánh giá về nguy cơ dịch bệnh để có những ứng phó kịp thời, nhất là khi đã bắt đầu có những thay đổi trong một số dịch bệnh truyền nhiễm bằng vắc xin.