Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ hôm nay (7/2) sẽ nghe điều trần của Chính phủ Mỹ xem liệu có nên khôi phục lại sắc lệnh gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump về cấm nhập cảnh tạm thời đối với người dân đến từ 7 quốc gia Hồi giáo hay không.

bo tu phap my bao ve sac lenh cam nhap cu cua tong thong trump

Người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump. (Ảnh: IB Times)

Bộ Tư pháp Mỹ đại diện cho Chính phủ sẽ bảo vệ sắc lệnh của Tổng thống Trump và kêu gọi Tòa phúc thẩm khôi phục lại sắc lệnh để phục vụ lợi ích quốc gia.

Bản tóm tắt dài 15 trang mà Bộ Tư pháp Mỹ sẽ trình bày trước tòa án và đã được công bố trước báo giới trong đó nhấn mạnh, việc tòa án đình chỉ lệnh cấm của ông Trump là quá rộng và chỉ nên áp dụng đối với những người đã được cấp phép vào Mỹ hoặc những người muốn rời đi hoặc trở lại với Mỹ.

Bản tóm tắt cũng cho biết, việc ban hành sắc lệnh là quyền của Tổng thống và nó không phải là lệnh cấm đối với người Hồi giáo.

Sắc lệnh hành chính siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ đã được tân Tổng thống Donald Trump ký ngày 27/1, theo đó nâng thời gian xét thị thực đối với tất cả người tị nạn lên 4 tháng và tạm thời ngừng cấp thị thực nhập cảnh Mỹ đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, bao gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen.

Tân Tổng thống Mỹ cho rằng biện pháp này là nhằm bảo vệ người dân Mỹ trước nguy cơ tấn công khủng bố. Các quyết định hành pháp của Tổng thống Trump đã ngay lập tức gây ra những phản ứng trái chiều trong chính giới Mỹ cũng như tại nhiều nước trên thế giới.

Tòa án liên bang ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, sau đó đã ra phán quyết trên quy mô toàn quốc chặn sắc lệnh cấm người tị nạn và công dân từ 7 quốc gia nhập cảnh vào Mỹ do ông Trump ban hành hồi cuối tháng trước. Đây được coi là đòn giáng mạnh nhất vào Tổng thống Trump kể từ khi ông nhậm chức hôm 20/1 vừa qua.

Đáp lại quyết định này, ông Trump đã mạnh mẽ lên án phán quyết trên, coi đây là quyết định “nực cười” và tuyên bố sẽ lật ngược phán quyết này./.