Ngành Giáo dục TPHCM đã đi trước một bước

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Điều này chắc chắn sẽ tác động rất nhiều mặt. Đối với ngành giáo dục, chính sách này sẽ tạo thêm cơ hội trong việc tuyển dụng giáo viên, người tốt nghiệp sư phạm cũng sẽ linh hoạt hơn trong quá trình xin việc.

bo ho khau coi noi nhung kho giu chan giao vien

Từ tháng 9/2017, TPHCM chính thức bỏ hộ khẩu trong việc tuyển dụng đối với giáo viên mầm non

Tại TPHCM, chính sách bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng đã được thành phố đặt ra từ lâu. Mới đây, UBND thành phố đã có quyết định quyết định về việc bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức. Theo đó, TPHCM hủy bỏ yêu cầu “bản sao hộ khẩu thường trú tại TPHCM” trong hồ sơ tuyển dụng viên chức. Ngoài ra, cũng hủy bỏ điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại TPHCM” khi tuyển dụng công chức. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/11/2017.

Riêng ngành giáo dục, trước tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt ở bậc học mầm non và tiểu học, chính sách này đã được “đặc cách” áp dụng từ trước. Nhiều năm nay, nhiều quận huyện đã xin ý kiến và được phép tuyển dụng giáo viên không cần hộ khẩu thành phố.

Từ tháng 9/2017, các quận/huyện ở TPHCM đã chính thức được phép được tuyển dụng giáo viên mầm non không có hộ khẩu trên địa bàn thành phố.

Mở rộng nhưng khó ổn định

Một điều dễ thấy nhất khi bỏ hộ khẩu thì cơ hội tuyển dụng giữa bên cung và bên cầu đều sẽ tăng lên. Thay vì lưu trú trong hộ khẩu để tuyển dụng giáo viên như trước, giờ các đơn vị có thể tuyển các ứng viên khắp cả nước.

Một lãnh đạo ở TPHCM cho hay, chính sách bỏ hộ khẩu thì điều vui nhất là sẽ tăng nguồn tuyển dụng giáo viên ở hai bậc học mầm non, tiểu học đang rất thiếu ở TPHCM. Vậy nhưng, theo các quản lý ở cơ sở, tăng nguồn tuyển là có nhưng đây lại không phải là bài giải cho tình trạng thiếu giáo viên.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q. Bình Tân, TPHCM chia sẻ việc bỏ hộ khẩu thì thành phố sẽ có thêm nhiều ứng viên, nhiều cơ hội để tuyển được người giỏi vào viên chức. Vậy nhưng, đối với ngành giáo dục, có thể tuyển được ứng viên giỏi nhưng việc giữ chân người giỏi lại rất khó vì lương quá thấp. Mức lương của một giáo viên mới ra trường cao nhất là 3 triệu đồng, làm sao có thể sống ở thành phố khi tiền nhà trọ đã hết khoảng 1,5 triệu đồng.

bo ho khau coi noi nhung kho giu chan giao vien

Lương thấp, việc giữ chân giáo viên vẫn là bài toán thách thức của ngành giáo dục (ảnh minh họa)

Ông Tuyên cũng đặt ra vấn đề, nhiều người khi chưa có việc làm, có thể họ xin đi dạy tạm thời. Nhưng rồi lương ở thành phố không đủ sống, khi có cơ hội họ sẽ về quê hoặc chọn công việc khác dẫn đến tình trạng không ổn định. Trong khi, đối với nghề giáo, giáo viên có kinh nghiệm, có kỹ năng xử lý tình huống dạy học thực tế là rất quan trọng.

Ông Tuyên cũng cho biết: " Đợt rồi, quận tuyển khoảng 30% giáo viên không có hộ khẩu nhưng lương thấp, xa nhà… nên số này nghỉ việc khá nhiều. Nhiều giáo viên đã chuyển ra dạy ở trường tư đồng lương cao hơn lại ít áp lực hơn. Thật ra, người giỏi thì không cần hộ khẩu họ vẫn khẳng định được mình”,

Một quản lý ngành giáo dục ở TPHCM cũng cho rằng, việc bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng giáo viên mầm non mà TPHCM kỳ vọng, thật ra không giải quyết được bài toán thiếu giáo viên. Nhiều nơi đã áp dụng nhưng vẫn thiếu giáo viên triền miên lại lo thêm khoản không ổn định vì giáo viên nghỉ việc…. về quê. Ngành giáo dục vì thiếu giáo viên mà có thể vô tình trở thành nơi “tạm trú” của nhiều người.

Theo ông, đối với nghề giáo hiện tại, cần nhất là chính sách, chế độ đãi ngộ thì người giỏi sẽ chủ động lựa chọn nghề chứ không phải tuyển kiểu “vơ bèo vạt tép”. Việc tuyển dụng với giáo viên các tỉnh cũng phải cân nhắc thêm các yếu tố như về ngôn ngữ, giọng nói, tiếng địa phương… “Nhiều ứng viên có khả năng nhưng chúng tôi không thể tuyển vì họ nói nặng tiếng địa phương, học sinh rất khó để nghe”, vị quản lý này cho hay.