Bộ GD-ĐT lên tiếng về hàng loạt sai phạm trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ
Xung quanh kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT về hàng loạt sai phạm của Học viện Khoa học Xã hội hội trong xét tuyển, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT vừa có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh kết luận thanh tra cũng như chia sẻ xung quanh việc chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ hiện nay.
Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT cho thấy, Học viện Khoa học Xã hội có nhiều sai phạm trong xét tuyển, đào tạo tiến sĩ |
Học viện KHXH phải thực hiện nghiêm kết luận thanh tra
PV: Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa làm rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội, khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Xin bà cho biết quan điểm về vụ việc này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng:
Quan điểm của tôi là đã có vi phạm thì kiên quyết xử lý theo đúng quy định hiện hành, không phân biệt cơ sở đào tạo lớn hay nhỏ; theo đó, trong thời gian tới, Học viện phải khắc phục hậu quả, chấn chỉnh công tác đào tạo theo đúng kết luận của Thanh tra Bộ.
PV: Học viện Khoa học xã hội còn sai phạm ở chỗ, phân công đội ngũ hướng dẫn nghiên cứu sinh vượt quá quy định nhiều lần. Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng của các luận án không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc phân công người hướng dẫn khoa học vượt quá quy định trước hết là sự vi phạm quy chế đào tạo. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng luận án ở góc độ luận án không được thực hiện trong điều kiện tốt nhất, với chất lượng cao nhất có thể.
Để đạt được chất lượng cần thiết, nghiên cứu sinh (NCS) và người hướng dẫn sẽ phải nỗ lực rất lớn, thậm chí NCS có thể phải tìm đến các nguồn hướng dẫn không chính thức khác.
Cũng như các sai phạm khác, Học viện Khoa học xã hội sẽ phải báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra này về Bộ GD-ĐT (qua Thanh tra) trước ngày 30/9/2017.
"Bội thực" thạc sĩ, tiến sĩ là không có cơ sở
PV: Thưa bà, từ câu chuyện “lò ấp” thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội, có dư luận cho rằng, chúng ta đang “bội thực” thạc sĩ, tiến sĩ, điều đó có cơ sở, có xác đáng hay không? Bà có thể cho biết số lượng thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay của Việt Nam? Năm 2016, cơ sở đào tạo nào cho ra lò nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nhất?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng:
Nếu nói “chúng ta đang “bội thực” thạc sĩ, tiến
sĩ” là chưa có cơ sở vì không dựa vào chuẩn nào để nói có bao nhiêu là thiếu, là đủ, là thừa… Trong lĩnh vực giáo dục đại học thì số lượng giảng viên có trình độ TS ở nước ta hiện là 16.541, mới chỉ đạt 22,68% tổng số GV, vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Số giảng viên có trình độ ThS là 43.065, chiếm 59,16%.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT |
Hiện nay cả nước có 37 Viện nghiên cứu được giao đào tạo TS, với quy mô khoảng 1.500 NCS. Trung bình, quy mô của mỗi viện khoảng 40 NCS và đang có xu hướng giảm. Như vậy, vấn đề cần đặt ra là đảm bảo chất lượng chứ không phải giảm số lượng trong điều kiện dư thừa.
PV: Hiện Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mới, cho thấy quyết tâm của Bộ đưa bậc đào tạo này vào khuôn khổ, nâng cao chất lượng. Đến nay, việc thực hiện Quy chế này có gặp khó khăn không, như việc thực hiện bài báo quốc tế, đầu vào ngoại ngữ, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Những quy định của Quy chế hiện hành trước khi được ban hành đã được công bố công khai để lấy ý kiến dư luận xã hội.
Tuy nhiên, việc chú trọng chất lượng trong đào tạo sẽ tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt khi trình độ và chất lượng đào tạo giữa các cơ sở, các lĩnh vực đào tạo chưa đồng đều. Mặc dù vậy, nếu xem xét đến bối cảnh sự phát triển của GDĐH khu vực thì cần phải thực hiện.
Để đảm bảo cho người có kế hoạch theo học ở trình độ tiến sĩ có thời gian chuẩn bị về chuyên môn và ngoại ngữ cũng như các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải có hướng đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng (về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực) thực hiện những thay đổi nói trên.
Quy chế đào tạo tiến sĩ mới có điều khoản chuyển tiếp quy định rõ lộ trình công bố quốc tế đối với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh theo hai giai đoạn:
Từ khi quy chế có hiệu lực đến hết 31/12/2018 và từ sau ngày 01/01/2019 đối với những nhóm ngành có tính hội nhập cao và với nhóm chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kính tế, chính trị, văn hoá và xã hội đặc thù của Việt Nam.
PV:Câu chuyện Học viện Khoa học xã hội là một hồi chuông cảnh tỉnh cung cách đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam. Dư luận đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải thanh tra tiếp nhiều cơ sở đào tạo khác nữa. Việc này có khả thi không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở GDĐH là một trong những nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD-ĐT. Hằng năm, Bộ đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể các cơ Sở GD-ĐT.
Trong điều kiện các cơ sở đào tạo càng được tự chủ thì càng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở đào tạo vi phạm.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải dựa trên tinh thần tự giác của các cơ sở đào tạo; trong đó, đặc biệt quan trọng là người đứng đầu cơ sở đào tạo, hội đồng khoa học đào tạo và cá nhân các nhà khoa học để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, văn hoá chất lượng tại các cơ sở đào tạo.
Hiện nay, Bộ GD-DT xây dựng cơ chế công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng, các sản phẩm khoa học… và chuẩn bị xếp hạng chất lượng các cơ sở đào tạo để người học lựa chọn và XH giám sát.
Trước hết là xây dựng cơ sở dữ liệu để công khai về các điều kiện đảm bảo chất lượng, các sản phẩm khoa học trong đào tạo như: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất; các đề tài khoa học, luận văn, luận án kèm theo tên tác giả, người hướng dẫn và hội đồng thẩm định để gắn trách nhiệm của các nhà khoa học với sản phẩm khoa học của NCS…
Nếu người học, xã hội có đủ thông tin thì người chân chính sẽ chọn đến cơ sở đào tạo chân chính và những người tuyển dụng, sử dụng lao động chân chính sẽ trọng dụng những TS, ThS có thực lực, thực tài./.
PV: Xin trân trọng cám ơn bà!/.