Ngày 14/11 PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, tại đây đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị bệnh tay chân miệng độ nặng, nguy kịch đến tính mạng. Chỉ tình riêng trong ngày, khoa đang điều trị cho 2 trẻ bị biến chứng phải thở máy và lọc máu liên tục.

nhieu tre thap tu nhat sinh vi bien chung tay chan mieng

Tay chân miệng là bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc chủng ngừa

Cả 2 trường hợp đều bị bệnh tay chân miệng (độ IV) mức độ nặng nhất gây biến chứng thần kinh, hô hấp và tim mạch. Trong đó bé trai N.T.T. (2 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) được chuyển đến bệnh viện vào trưa 10/11 từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ sau khi hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1. Bệnh nhi bị biến chứng thần kinh, suy hô hấp và tim mạch phải chuyển viện gấp vì vượt khả năng chuyên môn của tuyến cơ sở.

Trước đó, bệnh nhi Đ.T.C. (2 tuổi, ngụ tại Cà Mau) được bệnh viện Sản Nhi Cà Mau chuyển đến vào sáng 6/11 sau khi hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1. Các bác sĩ xác định bệnh nhi bị biến chứng tim mạch, thần kinh, mạch nhanh, rối loạn huyết động học nguy hiểm đến tính mạng.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà bệnh nhi được biết, trước đó khoảng 3 ngày, bé T.C. bị sốt, nổi hồng ban ở tay, chân và giật mình. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) sau khi thăm khám, bác sĩ xác định tình trạng bệnh nặng nên tiếp tục chuyển đến Bệnh viện sản nhi Cà Mau.

Dù được bác sĩ theo dõi sát, điều trị tích cực nhưng bệnh của trẻ ngày càng nặng, có diễn biến xấu, bệnh nhi bị biến chứng thần kinh, hô hấp và tim mạch. Các bác sĩ ở đây tiến hành đặt nội khí quản và sử dụng các thuốc trợ tim, hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1.

nhieu tre thap tu nhat sinh vi bien chung tay chan mieng

Cần phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh, đưa trẻ đến bác sĩ kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho hay: “Cả 2 bệnh nhi trên đều phải thở máy, lọc máu, theo dõi điều trị liên tục. Sau nhiều ngày lọc máu liên tục, tình trạng huyết động học của bé C. đã tương đối ổn định hiện bệnh nhi đã cai máy thở. Bé còn lại đang được tiếp tục theo dõi, điều trị, tiên lượng đã cải thiện khả quan”.

Dù qua được giai đoạn nguy kịch, nhưng các bệnh nhi đối mặt với nguy cơ gặp phải nhiều di chứng. Hiện bé C. đang có dấu hiệu rối loạn phản xạ nuốt, các bác sĩ đang tiến hành tập vật lý trị liệu và theo dõi sự tiến triển. Riêng bé T. đang còn phải thở máy nên bác sĩ chưa thể đánh giá được những tác động của bệnh gây ra cho trẻ.

Từ những ca bệnh nặng trên, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang khuyến cáo: “Từ đầu tháng 11 đến nay, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu hạ nhiệt, tuy nhiên trái ngược với giai đoạn cao điểm (tháng 9) số ca nhập viện vì biến chứng nặng ngày càng nhiều. Đây có thể là do sự chủ quan, lơ là của các bậc phụ huynh, không phát hiện dấu hiệu trẻ bị bệnh hoặc biến chứng của bệnh nên đưa trẻ nhập viện trễ khiến việc điều trị trở nên khó khăn, nguy cơ tử vong cao”.

Tay chân miệng là bệnh nguy hiểm, chưa có vắc xin chủng ngừa nhưng có thể phòng bệnh hiểu quả bằng những giải pháp đơn giản như: Người trông giữ trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; thường xuyên vệ sinh nơi trẻ vui chơi, vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng nước xà phòng hoặc nước khử khuẩn. Bác sĩ cảnh báo, ngoài các biểu hiện nổi mẫn, bóng nước ở tay chân và trong niêm mạc miệng, trẻ mắc tay chân miệng thường giật mình trong lúc thiu thiu ngủ, nếu tần suất trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao khó hạ trên 2 ngày thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế.