Bảo hiểm xã hội tự nguyện - “của để dành” cho người lao động tự do
Chị Thùy (ngoài cùng bên phải) và đồng nghiệp tìm hiểu về bảo hiểm xã hội tự nguyện

Hơn 4 năm công tác, trong đó chỉ có 1 năm được ký hợp đồng chính thức và được nhà trường thực hiện các quy định về chế độ bảo hiểm, 3 năm còn lại chị Vũ Thị Phương Thùy, giáo viên tại trường Mầm non xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ lao động theo hình thức định mức khoán. Bởi vậy mà ngay khi chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực, chị Thùy đã tìm hiểu và tham gia.

Chị Thùy chia sẻ: “Về sau khi mình không lao động được nữa thì bảo hiểm sẽ hỗ trợ cho mình một phần kinh tế cho gia đình và lo sức khỏe cho bản thân sau này.”

Theo đuổi và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục trẻ mầm non, thế nhưng những tâm tư về chế độ chính sách trong đó có chính sách bảo hiểm luôn là những trăn trở với những giáo viên định mức khoán như chị Cao Thị Loan, giáo viên trường Mầm non Cây Thị, huyện Đồng Hỷ. Trong 12 trường hợp lao động theo hình thức định mức khoán tại đơn vị, chị Loan là một trong những người đầu tiên thực hiện đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chị Loan chia sẻ: “Đóng bảo hiểm tự nguyện tôi thấy rất yên tâm vì về hưu sẽ có lương hưu cho bản thân.”

Bảo hiểm xã hội tự nguyện - “của để dành” cho người lao động tự do
Phòng giao dịch Bảo hiểm xã hội huyện Đồng Hỷ

Trường mầm non Cây Thị chỉ là 1 trong hàng chục đơn vị gồm các trường học, cụm dân cư, UBND cấp xã được Bảo hiểm xã hội huyện Đồng Hỷ thực hiện việc tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện với nhiều lợi ích về an sinh xã hội.

Bà Trần Thị Huệ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đồng Hỷ cho biết: “Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến đời sống của nhân dân. Sau khi người dân hết tuổi lao động sẽ tự chủ được tài chính khi về già. Đó là những mong muốn mà cơ quan bảo hiểm xã hội muốn triển khai đến bà con nhân dân.”

Theo thống kê, có khoảng gần 70% người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn, làm nông nghiệp và có đến 72% sống với con cháu, phần lớn họ không có tích lũy vật chất. Một tương lai không chỗ dựa, với hàng triệu người không có điểm tựa an sinh khi về già đang đặt ra thách thức cho an sinh xã hội. Bởi vậy chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tiếp tục khẳng định là “của để dành” của lao động tự do./.