BHXH tự nguyện: Khó đạt mục tiêu 50% người lao động tham gia vào 2020
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức mới đây.
Lao động tham gia BHXH khó đạt mục tiêu đề ra. |
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, sẽ không đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Hiện có khoảng 37 triệu lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức nhưng trong hơn 10 năm, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ có hơn 240 nghìn người, trong đó, 60% là lao động đã tham gia BHXH bắt buộc, tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu.
Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, nguyên nhân là phần lớn người lao động không biết về chính sách BHXH tự nguyện và chưa biết mua ở đâu cũng như không biết hình thức đóng như thế nào. Trong thời gian qua, chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện và các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe. Do đó, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn do chỉ thực hiện 2 chế độ hưu trí và tử tuất.
Ông Phạm Trường Giang nói: “Chúng tôi sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để đánh giá lại sau một năm có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện. Việc hỗ trợ đã phù hợp chưa và chỉ ra những bất cập để đề xuất Chính phủ và báo cáo Quốc hội, cần thiết thì chúng ta tăng cường hỗ trợ thêm. Thứ hai là nghiên cứu gói hỗ trợ BHXH linh hoạt, hiện toàn bộ lao động nữ trong khu vực phi chính thức chưa được hỗ trợ chế độ thai sản. Thời gian tới chúng ta sẽ nghiên cứu hỗ trợ chính sách này, để có hiệu quả thì chúng ta phải đổi mới toàn bộ nội dung, hình thức tuyên truyền và đề án này sẽ trình Chính phủ trong năm 2019”
Những năm gần đây, số người xin hưởng trợ cấp BHXH một lần tiếp tục gia tăng, bình quân mỗi năm hơn 600 nghìn người rời khỏi hệ thống BHXH. Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động thấy được các lợi ích khi tham gia BHXH để hưởng lương hưu và trợ cấp an sinh xã hội khi về già. Đồng thời, tổng rà soát lại hệ thống pháp luật về an sinh xã hội, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người lao động theo chế độ linh hoạt.
Ông Điều Bá Được cho rằng: “Chúng ta cần hướng tới tất cả những người có thu nhập đều tham gia BHXH, giống như BHYT. Hình thức BHXH tự nguyện là những ai có thu nhập cao tự nguyện đóng nhiều hơn để hưởng lương cao hơn. Trần tối thiểu là xác định thu nhập. Quan hệ lao động bây giờ khác rồi, vi thế quy định pháp luật phải đi theo thời đại 4.0 làm sao để xử lý được vấn đề tham gia BHXH là vấn đề bảo đảm thu nhập và an ninh thu nhập”
Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề ra, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, nêu ý kiến để thu hút người dân tham gia đóng BHXH như đóng BHYT thì cần coi người lao động như một khách hàng và làm sao thuyết phục để họ hiểu quyền lợi, thay đổi suy nghĩ và tự nguyện tham gia:
“Vi coi người lao động là khách hàng nên chúng tôi phải làm theo hướng khách hàng. Đến nay chúng tôi đào tạo được 1.500 tuyên truyền viên, tập trung tổ chức hội nghị theo từng thôn, xã, tuyên truyền đến đâu, bán bảo hiểm luôn ở đó, cấp sổ luôn, sang năm tiến tới làm sổ điện tử. Vừa rồi chúng tôi làm ở 20 tỉnh, tổ chức khoảng 1.000 hội nghị, có khoảng 60.000 người tham gia trong đó có 20.000 tự nguyện tham gia BHXH tự nguyện”./.