Bao giờ có phim về nhân vật lịch sử cách mạng?
Tính từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930, ngày Quốc khánh 2/9/1945, ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, và từ ngày thành lập ngành từ 15/3/1953, nhưng điện ảnh Việt Nam gần như thiếu dòng phim truyện về các lãnh tụ cách mạng Việt Nam đương đại.
Không biết có phải vì họ đã bị lãng quên, chỉ là những nhân vật quá khứ “nằm yên” trong những trang sách sử hay điện ảnh Việt Nam “ngoảnh mặt” với đề tài này vì có nhiều lý do?
Chỉ có phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong vòng 10 phim, điện ảnh Việt Nam có nhiều bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hẹn gặp lại Sài Gòn”- Năm 1990, ĐD Long Vân; “Hà Nội mùa đông 46”- Năm 1995, ĐD NSND Đặng Nhật Minh; "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”- Năm 2005, ĐD Nguyễn Khắc Lợi (Việt Nam) & Viên Thế Kỷ (Trung Quốc); "Nhìn ra biển cả”- Năm 2010, ĐD NSƯT Vũ Châu; “Vượt qua bến Thượng Hải”- Năm 2010, ĐD Triệu Tuấn (Việt Nam) & Phạm Đông Vũ (Trung Quốc); “Thầu Chín ở Xiêm”, ĐD Bùi Tuấn Dũng và “Nhà tiên tri”, ĐD NSƯT Vương Đức - Năm 2015.
Một cảnh trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. |
Tính đến nay, kể từ khi bộ phim truyện nhựa đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam “Chung một dòng sông”, thì số lượng phim truyện nhựa Việt Nam đã có thể lên tới hơn ngàn bộ với rất nhiều đề tài. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm điện ảnh Việt Nam có từ 30 - 50 phim truyện nhựa được sản xuất, nhưng trong số đó chỉ có 2 phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Còn lại, tất cả những nhân vật lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, những người góp phần đưa cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đến thắng lợi, lãnh đạo nhân dân qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước, và lãnh đạo công cuộc xây dựng kiến thiết Việt Nam sau chiến tranh, hòa nhập và sánh vai với các quốc gia trên thế giới đến nay, kể từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930, ngày Quốc khánh 2/9/1945, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, không có ai được ngành điện ảnh Việt Nam, với tuổi đời hơn 64 năm, để mắt tới và làm phim về họ.
Từ các vị tiền bối cách mạng của những năm 1930 như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… đến các vị lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ từ 1945-1975 như Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn…
Phim Hà Nội mùa đông năm 46. |
Các vị tướng trận với những chiến công “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”, hay làm nên một chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc 10.000 ngày chiến tranh Việt Nam… Hàng trăm vị “tiền hiền” khai quốc công thần, không một ai được làm phim.
Ngay cả với những nhân vật lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ hòa bình gắn với nhiều sự kiện, nhiều quyết sách để đưa Việt Nam phát triển, cùng hòa nhập trong xu thế chung của tòan cầu hóa, công nghệ cao, kinh tế thị trường… như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt,… cũng vắng bóng. Tạo nên một khoảng trắng trong dòng phim nhân vật lịch sử cách mạng Việt Nam đương đại.
Điện ảnh Việt Nam chưa đủ “tầm”?
Sự thiếu vắng đề tài này của ngành điện ảnh Việt Nam phải chăng vì đây thuộc dạng đề tài chính luận lịch sử, thường chỉ làm theo đơn đặt hàng nhân một dịp kỷ niệm nào đó, mà từ trước tới giờ hình như chưa có ai đặt hàng ngoài nhà nước dùng để tuyên truyền.
Thêm thực tế trong thời buổi “kinh tế thị trường”, loại phim về đề tài này ít “ăn khách”, không thể thu được lợi nhuận, nên các nhà làm phim không “ưu tiên”.
Nhưng điều không thể bào chữa cho ngành điện ảnh Việt Nam chính là thiếu cái “tâm” của những người làm điện ảnh. Bởi nếu như có “tâm”, họ không thể nào ngoảnh mặt làm ngơ trước một đề tài mang rất nhiều ý nghĩa thiết thực cả hiện tại và tương lai, ý nghĩa “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ tiếp nối, ý nghĩa làm sống lại một giai đoạn lịch sử đất nước…
Nếu có “Tâm” muốn làm phim về nhân vật lịch sử cách mạng Việt Nam không khó. Tư liệu không thiếu, các nhân vật thuộc thời kỳ đương đại, rất gần gũi với cuộc sống hôm nay, thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của họ có thể dễ dàng khai thác ở các thư viện, các nơi quản lý lưu trữ hồ sơ cá nhân, và ngay cả trong dân gian, những người thân thuộc trong gia đình họ….
Một sự thật khác với ngành điện ảnh Việt Nam, “tầm” của các nhà làm phim cũng chưa đủ để thực hiện. “Tầm”, ngoại trừ vấn đề kỹ thuật, thì những người có thể làm được dòng phim này cũng là một vấn đề “bất khả thi”. Thứ nhất biên kịch, ai có đủ tài biết cách lựa chọn tình tiết và chuyển hóa “tư liệu” dạng văn bản về cuộc đời các nhân vật thành một câu chuyện hấp dẫn để dựng thành phim?
Có mấy đạo diễn đủ năng lực làm nên một bộ phim với đề tài chính luận tưởng chừng khô cứng thành phim có sức hút khán giả? Thành phần diễn viên có đủ khả năng diễn xuất nhập vai, tái hiện được sống động và chân thực nhân vật?...
Cảnh trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. |
Làm phim về lãnh tụ cách mạng đương đại không khó
Không thể làm phim hoành tráng, đồ sộ về cả cuộc đời, sự nghiệp, thì có thể trích từng giai đoạn hoạt động của nhân vật, thậm chí chỉ cần lấy một câu chuyện nhỏ nói về nhân cách của họ cũng có thể làm nên một kịch bản tốt.
Nếu như không thể làm phim với những phim trường cầu kỳ phức tạp, thì có thể làm phim với những bối cảnh dễ thực hiện. Nếu như ít tiền, có thể không cần xử dụng những phương tiện quá tối tân, hiện đại mà chỉ cần một số phương tiện chuyên dụng đạt chuẩn.
Nếu như muốn phim hấp dẫn, trong kịch bản có quyền hư cấu thêm, có thể thêm thắt những tình tiết làm “mềm” phim bằng những cảnh lãng mạn, hay tạo cho phim có “tốc độ” bằng những pha hành động gay cấn, hay tạo sự lôi cuốn bằng các tình tiết có chút bí ẩn…
Và đạo diễn, nếu thật sự có “tâm” với đề tài này, theo đuổi như một mục tiêu nghề nghiệp, cũng có thể tạo dấu ấn thành công với dòng phim nhân vật, làm ra những phim hấp dẫn. Còn diễn viên, nếu họ thật sự có ý thức lao động nghệ thuật, thì việc “hóa thân” vào nhân vật cũng không có gì quá khó.
Quan trọng nhất chính là tư duy của các nhà có trách nhiệm với ngành điện ảnh Việt Nam. Nếu như trong suy nghĩ của họ, trong các dự án làm phim không có một góc dành cho dòng phim này, nếu như họ vẫn cho rằng thiếu dòng phim này, điện ảnh Việt Nam trở nên yếu kém…
Và nếu như họ không cần khuyến khích hay tạo điều kiện cho những người có tâm huyết và điều kiện làm dòng phim này như một thể chế “ưu tiên” khi làm phim…
Trong khi chúng ta đang lo ngại về sự khiếm khuyết kiến thức lịch sử Việt Nam của lớp trẻ (chiếm đa số khán giả xem phim). Trong khi lớp trẻ bây giờ sống thực dụng, vật chất, không lý tưởng…, không thấy được sự hy sinh của bao thế hệ cha ông vì nền độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc của đất nước…, thì phim điện ảnh là con đừong ngắn nhất để có thể tiếp cận lịch sử ở một khía cạnh, giáo dục bồi đắp tinh thần yêu nước của tuổi trẻ.
Thiết nghĩ, khi chưa làm được những bộ phim lịch sử cổ đại thì điện ảnh Việt Nam nên dành một chỗ cho những phim về nhân vật lịch sử cách mạng đương đại Việt Nam./.