Liên hoan phim vắng bóng tác phẩm của hãng phim truyện Nhà nước
Hội thảo được tổ chức nhân sự kiện Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 đang diễn ra tại Đà Nẵng (từ ngày 24/11-28/11). Đây là lần đầu tiên Liên hoan vắng bóng hoàn toàn tác phẩn của các hãng phim truyện Nhà nước như Liên hoan phim Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc. Danh mục phim truyện được đề cử tranh giải tại Liên hoan đều là phim của các hãng tư nhân.
Quang cảnh Hội thảo |
"Người người làm phim, nhà nhà làm phim, chỉ nên mừng một nửa"
Chia sẻ trăn trở và buồn vì Liên hoan phim vắng bóng tác phẩm của hãng phim truyện Nhà nước, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ: Không có tác phẩm của các hãng phim Nhà nước, nhưng lại "bùng nổ" tác phẩm điện ảnh của các hãng phim tư nhân.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Người người làm phim, nhà nhà làm phim, chỉ nên mừng một nửa |
Hiện tượng nhà nhà làm phim, người người làm phim, theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, là chỉ nên mừng một nửa. Một nửa lo âu bởi thực trạng không ít người chưa am hiểu điện ảnh cũng nhảy vào làm phim, dẫn đến sự ra đời của sản phẩm kém chất lượng. Trong khi những người được học hành bài bản lại không có điều kiện làm phim.
Đạo diễn Tô Hoàng thẳng thắn nêu lên một thực tế là các kỳ liên hoan phim đều dành một sự ưu ái đặc biệt cho phim thương mại, phim giải trí với sự biểu dương, khích lệ thích đáng. Đó là việc phù hợp với quy luật tự nhiên của nền kinh tế thị trường. Nhưng thật không khỏi “đau lòng buốt ruột” khi thấy phép tính lời lãi ngày càng thao túng, lấn át yếu tố chất lượng của các tác phẩm điện ảnh.
Chia sẻ điều này, NSND Đặng Nhật Minh bày tỏ: Phim làm xong, nếu được mời chiếu và trao giải tại các liên hoan phim thì rất mừng. Nhưng những bộ phim được giải chưa phải là những bộ phim hay nhất bởi thực ra một bộ phim được trao giải phụ thuộc vào số ít người. Còn phim làm tốt thật sự phải đợi thời gian chứng minh và khán giả là những giám khảo công tâm nhất.
Đề tài nghèo nàn, quanh đi quẩn lại sex, đồng tính, bạo lực, tiền…
Đạo diễn Đức Thịnh nêu thực tế mỗi năm trên dưới 50 phim ra rạp. Các phim đều mang đậm tính giải trí để phục vụ khán giả trẻ - đối tượng khán giả chính bỏ tiền mua vé xem phim ra rạp. Điều đó kéo theo vấn nạn đề tài nghèo nàn, nhàm chán, quanh đi quẩn lại cũng sex, bạo lực, đồng tính… Cũng có vài ba phim mạnh dạn thay đổi đề tài, nhưng chỉ ở mức "gãi ngứa".
Đạo diễn Tô Hoàng "bắt mạch": Cùng với hiện tượng bắt chước phim nước ngoài, dựng lại theo kịch bản phim nước ngoài, các nhà làm phim tư nhân tuân thủ quy tắc bất thành văn lựa chọn đề tài sex, đồng tính, bạo lực, tiền… để "hút" khán giả. Nếu không thuộc những đề tài này, chẳng mấy ai xem, rủi ro doanh thu của nhà làm phim làm phim là khó tránh khỏi.
Đạo diễn Đức Thịnh nói tiếp, chính việc lệ thuộc việc đảm bảo an toàn doanh thu phòng vé này đã làm mất cơ hội chào đời những bộ phim có tính xã hội cao, có cái nhìn chân - thiện- mỹ, tôn vinh bản sắc dân tộc, hội nhập với điện ảnh quốc tế.
Theo đạo diễn Đức Thịnh, cần có sự "hà hơi tiếp sức" của các đơn vị hữu quan để hỗ trợ các nhà đầu tư, sản xuất phim mạnh dạn đổi mới đề tài. Chẳng hạn, dự án nào được Cục Điện ảnh thẩm định đề tài hay, mang tính xã hội, nên có hình thức bảo trợ cụ thể. Ví dụ, có cách tính tỉ lệ ăn chia khác so với các thể loại giải trí, để san sẻ rủi ro doanh thu với các nhà làm phim.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát góp ý: Cần mở ra nhiều hướng làm phim, nhiều hướng sáng tạo về diện rộng nhưng đồng thời cũng cần chú trọng đến chiều sâu, tìm tòi cân nhắc nghĩ ngợi trước mỗi một tác phẩm để không uổng phí tiền bạc và công sức.